BIẾN THỂ COVID-19

Xuất hiện biến thể Covid-19 nguy cơ mới tên CH.1.1, phát hiện đầu tiên ở Đông Nam Á

       Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo đang theo dõi một biến thể tiềm tàng nguy hiểm, tên gọi CH 1.1.

Vào thời điểm dịch có dấu hiệu chấm dứt, CDC cho biết đang theo dõi biến thể mới gọi là Orthrus CH.1.1. Đến 24.1, CDC ước tính Orthrus CH.1.1 chiếm 1,5% số ca ở Mỹ, theo Đài CNN.

        Nhà theo dõi biến thể Mike Honey (Úc) là người đặt tên cho biến thể này, lấy từ tên của chó ngao 2 đầu Orthrus trong thần thoại Hy Lạp.

Chó Orthrus có bề ngoài đặc biệt, và đó là lý do ông Honey đặt tên này cho biến thể mới tiềm tàng nguy cơ CH 1.1.

         Tại sao CH 1.1 gây quan ngại?

         CH 1.1 xuất phát từ gia đình Omicron, nhưng gây quan ngại vì có đột biến L452R từng xuất hiện ở chủng Delta chết chóc, đặc điểm chưa từng xuất hiện ở một biến thể phụ của Omircon. Đó là lý do các chuyên gia tập trung theo dõi biến thể này với tâm trạng lo lắng.

“Delta nghiêm trọng hơn, nên khiến nhiều người phải nhập viện và điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt (ICU)“, bác sĩ Stephen Blatt, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho biết.

       Bác sĩ Blatt cho rằng chúng ta cần cân nhắc thời điểm CH 1.1 xuất hiện. Giống như XBB.1.5, CH 1.1 lây lan nhanh chóng, với số ca tăng gấp đôi mỗi 2 tuần.

Đội ngũ chuyên gia Đại học bang Ohio (Mỹ) cảnh báo CH.1.1 cũng liên kết tốt với các thụ thể ACE2, nơi virus gây Covid-19 lây nhiễm tế bào người. Điều này đồng nghĩa biến thể mới có vượt qua (ít nhất phần nào) kháng thể đến từ những lần mắc bệnh trước đó hoặc tiêm vắc xin phòng Covid-19.

         Thời điểm và địa điểm phát hiện đầu tiên?

CH.1.1 được phát hiện ở Đông Nam Á vào mùa thu năm ngoái, nhưng số ca mắc biến thể mới đang tăng mạnh từ tháng 11, và outbreak.info ghi nhận CH.1.1 hiện chiếm khoảng 10% số mẫu giải trình tự gien mỗi ngày trên toàn cầu.

        Những điểm nóng của CH.1.1 là các khu vực Anh, New Zealand, với hơn 25% số ca mắc là CH.1.1, theo báo cáo tuần qua của Đại học bang Ohio.

Các điểm nóng khác bao gồm Hồng Kông và Papua New Guinea, Campuchia và Ireland.

        Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2.2 cho biết biến thể này nằm trong danh sách theo dõi của tổ chức.

Thụy Miên

Những điều bạn cần biết về biến chủng Omicron

Những điều cần biết về biến thể Delta

Biến thể Delta là gì? 

WHO đã gọi biến thể Delta của vi-rút SARS-CoV-2 là một biến thể đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao của biến thể này. Khi biến thể Delta được xác định, biến thể này lây lan nhanh chóng. Tính đến ngày 10/8, theo báo cáo, biến thể Delta đã xuất hiện ở 142 quốc gia và được dự báo sẽ tiếp tục lan rộng. 

Biến thể Delta có nguy cơ dễ lây lan hơn hay không? 

Có. Biến thể Delta có nguy cơ lây lan cao gấp khoảng hai lần so với các biến thể trước đây. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa tương tự như không đi đến nơi đông người, giữ khoảng cách với người khác và đeo khẩu trang vẫn mang lại hiệu quả trước biến thể Delta.

Các loại vắc xin ngừa COVID-19 có hiệu quả trước biến thể Delta không?  

Có. Các loại vắc xin COVID-19 được WHO phê duyệt vẫn mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn bệnh trở nặng và các trường hợp tử vong, bao gồm cả hiệu quả trước biến thể Delta. Hãy tiêm vắc xin khi đến lượt. Nếu loại vắc xin bạn tiêm cần phải tiêm hai liều, cần tiêm đủ liều để đạt được hiệu quả bảo vệ cao nhất.

Các loại vắc xin bảo vệ hầu hết tất cả mọi người khỏi việc nhiễm bệnh, nhưng không có loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Một số ít người được tiêm chủng có thể mắc COVID-19 - trường hợp này được gọi là nhiễm trùng đột phá; tuy nhiên những người này có thể sẽ gặp các triệu chứng nhẹ hơn. Đây là lý do tại sao cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung nếu bạn sống trong một khu vực có mức độ lây lan COVID-19 cao. Nếu bạn đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn có các triệu chứng của COVID-19, cần liên hệ với bác sĩ để biết liệu bạn có nên đi xét nghiệm hay không.

Trẻ em có nhiều khả năng mắc biến thể Delta hơn hay không?

Biến thể Delta không nhắm mục tiêu cụ thể đến trẻ em. Tất cả các nhóm tuổi đều có sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm. Tuy nhiên, biến thể Delta dễ lây lan hơn các chủng khác và những đối tượng tiếp xúc với nhiều người và chưa được tiêm chủng sẽ dễ lây nhiễm biến thể Delta hơn.  

Tôi có thể làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình trước biến thể Delta?

Luôn cập nhật thông tin về mức độ lây lan COVID-19 trong cộng đồng và làm theo hướng dẫn của địa phương. Nhìn chung, mức độ lây lan càng cao thì nguy cơ tiềm ẩn mắc COVID-19 ở những nơi công cộng càng cao. Dưới đây là một số biện pháp then chốt giúp bạn bảo vệ bản thân và những người thân xung quanh bạn:

Tránh nơi đông người và giữ khoảng cách với những người khác.

Giữ không gian trong nhà thông thoáng (có thể thực hiện đơn giản bằng cách mở cửa sổ).

Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng và nơi không thể thực hiện giãn cách vật lý.

Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước hoặc cồn.

Tiêm vắc xin khi đến lượt. Các vắc xin phòng COVID-19 được WHO phê duyệt đều an toàn và hiệu quả.

Biến thể Delta Plus là gì?  

Biến thể Delta Plus chứa một đột biến mới trên protein gai nhọn mà vi-rút sử dụng để xâm nhập vào tế bào của con người. Do có liên hệ chặt chẽ với biến thể Delta, biến thể này được gọi là Delta Plus thay vì được đặt tên theo các chữ cái khác trong bảng chữ cái Hi Lạp. Cho đến hiện tại, biến thể Delta Plus được tìm thấy với số lượng tương đối thấp.

​Một số thông tin về biến thể phụ BA.5 của biến thể Omicron

1. Đặc điểm về biến thể phụ BA.5

Biến thể phụ BA.5 được ghi nhận đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 01 năm 2022 và nhanh chóng lây lan ở nhiều nước trên thế giới.

Biến thể phụ này chứa một số đột biến (L452R, F486V và R493Q) so với biến thể phụ BA.2, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy có sự thay đổi đáng kể về đặc tính kháng nguyên so với hai dòng biến thể BA.1, BA.2 đang lây lan phổ biến.

Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12%1 so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Đến nay chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ BA.5 có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể cũ trước đây.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể vi rút SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

2. Tình hình biến thể phụ BA.5 trên thế giới

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát hiện biến thể phụ BA.5 như: Đức, Bỉ, Pháp, Áo, Italia, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, Canada, Úc, Israel, Pakistan, Singapore, Indonesia, Philipines, Thái Lan, Brunei... Ở Nam Phi, tỷ lệ mắc biến thể phụ này đã tăng từ dưới 1% vào tháng 1 năm 2022 lên 20% vào cuối tháng 4 vừa qua. Đến nay, Nam Phi là nước có tỷ lệ lệ nhiễm biến thể phụ này lớn nhất.  

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa dòng biến thể phụ BA.5 vào danh sách cần giám sát. Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và dịch bệnh Châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.

3. Tình hình biến thể phụ BA.5 tại Việt Nam

Ngày 15/6/2022, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện 03 trường hợp có nhiễm biến thể phụ BA.5. Theo thông tin điều tra bước đầu từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai xác định 03 ca nhiễm này ghi nhận trong cộng đồng, là người dân Việt Nam trong cùng gia đình, tự đến kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 26/5/2022 và được lấy mẫu xét nghiệm.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tổ chức điều tra và giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.5 cũng như các biến thể khác. Qua báo cáo của hệ thống giám sát, biến thể BA.2 vẫn là biến thể chủ đạo trong cộng đồng.

Qua theo dõi trong thời gian vừa qua, xu hướng dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc nhìn chung vẫn giảm, tuy nhiên những ngày gần đây có chững lại ở khoảng 600 – 700 ca mắc trong ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.

4. Nhận định tình hình

Trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và có khả năng tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam; đồng thời nước ta cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 trong cộng đồng, do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.

Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (vi rút SARS-CoV2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vắc xin) giảm theo thời gian và độ bao phủ vắc xin; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.

Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới. Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13%so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2.

Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Ca mắc COVID-19 tăng vọt, cần củng cố miễn dịch phòng biến thể mới

Tại Việt Nam, ngày 5/7 ca mắc COVID-19 mới tăng vọt lên 989 ca thêm 304 ca so với ngày trước đó. Ngày 6/7 tiếp tục ghi nhận 913 ca COVID-19 mới. Bộ Y tế cho biết số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5 của Omicron.

Tại châu Âu, số ca mắc đã tăng gấp 3 lần trong tháng qua, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình lây nhiễm COVID-19 tại châu Âu sẽ ở mức cao trong mùa hè này.

Cụ thể, tại Đức, BA.5 đã trở thành biến thể chủ đạo gây ra khoảng 50% số ca mắc mới. Các mô hình dự báo tình hình dịch bệnh tại Anh cũng cho thấy số ca mắc mới tăng khoảng 80% trong 3 tuần gần nhất.

Tại châu Á, Campuchia ghi nhận các ca mắc mới sau 51 ngày liên tục không có ca nào, trong khi Singapore không loại trừ khả năng phải thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách do số ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gia tăng.

Nhận định về nguy cơ lây lan và diễn biến dịch bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, biến thể BA.5 có nguy cơ lấn át biến thể cũ và lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2 từ 10-13%. Đồng thời, biến thể mới có khả năng chống lại các miễn dịch nên người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc biến thể mới BA.4 và BA.5.

Vaccine COVID-19 vẫn chứng tỏ hiệu quả với các biến thể mới của SARS-CoV-2

GS. Phan Trọng Lân cũng thông tin, theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của cơ thể sau khi tiêm vaccine hay sau khi mắc COVID-19 sẽ giảm dần sau 4 - 6 tháng. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao, cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vaccine COVID-19 nhắc lại theo khuyến cáo để tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh.

GS. Phan Trọng Lân khẳng định: "Vaccine tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine COVID-19, chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại".

Một chương trình đánh giá dữ liệu mới đây tổng hợp từ 79 nghiên cứu đời thực, cho thấy hai liều tiêm của các loại vaccine phổ biến nhất hiện nay, bao gồm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca và các loại vaccine theo công nghệ mRNA, đem lại hiệu quả bảo vệ tương đương nhau trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do COVID-19.

Cụ thể, dữ liệu được đánh giá chứng tỏ vaccine của AstraZeneca, cũng như các loại vaccine mRNA, có khả năng bảo vệ tương đương nhau trước nguy cơ nhập viện (91,3% – 92,5%) và nguy cơ tử vong (91,4% – 93,3%) bất kể ở độ tuổi nào. Mặc dù những dữ liệu đời thực có sẵn tại thời điểm đánh giá chỉ bao gồm biến thể Delta và các biến thể trước đó, nhưng các số liệu gần đây cũng cho thấy kết quả tương tự đối với những hệ quả nghiêm trọng của COVID-19 do biến thể Omicron gây ra.

Đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm nhóm suy giảm miễn dịch, các chuyên gia khuyến cáo bên cạnh miễn dịch chủ động từ vaccine, những người có chỉ định nên bổ sung miễn dịch thụ động từ kháng thể đơn dòng.

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết, những đối tượng có sức đề kháng, khả năng miễn dịch kém là các trường hợp nhiều bệnh nền như ung thư, ghép thận, hoặc phải dùng thuốc ức chế miễn dịch. Dù tiêm vaccine đầy đủ, nhóm dân số này vẫn có khả năng đáp ứng miễn dịch kém hơn ở nhiều khía cạnh so với người bình thường với số lượng kháng thể thấp hơn, khả năng trung hòa của kháng thể yếu hơn, và độ bền miễn dịch của vaccine giảm nhanh hơn.

Bên cạnh việc tiêm vaccine, bổ sung kháng thể đơn dòng sẽ tạo ra thêm một lớp hàng rào để phòng thủ giúp cơ thể chống lại bệnh. Ngoài ra cũng có một tỉ lệ nhất định những người không thể tiêm được vaccine, thì liệu pháp kháng thể đơn dòng là một giải pháp rất quan trọng cho người bệnh.

BA.5 có khả năng kháng vắc xin COVID-19 gấp 4 lần biến thể khác

Theo Bộ Y tế, tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Âu liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng.

Nhiều người dân sau khi tiêm vaccine mũi cơ bản hoặc đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em. Vì thế, dự báo số mắc Covid-19 thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ mới đây cho biết, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy biến thể phụ BA.5 của Omicron có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch tốt hơn, kể cả với những trường hợp từng mắc bệnh trước đó.

Theo Trung tâm y tế Mayo Clinic của Mỹ, BA.5 là biến thể siêu lây nhiễm, đang làm gia tăng số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện điều trị và cần chăm sóc đặc biệt.

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng cho thấy, trong tuần kết thúc ngày 9/7, BA.5 chiếm 65% số ca mắc mới tại nước này.

Tiến sĩ Gregory Poland, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin của Mayo Clinic cho rằng, những người không tiêm vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn khoảng 5 lần so với những người được tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường.

Nguy cơ cần nhập viện điều trị và tử vong ở nhóm người này cũng cao hơn lần lượt là 7,5 lần và 15 lần so với người đã tiêm chủng.

Kim Ngân (TH)

Người đã mắc COVID-19 có nhiễm biến chủng BA.5 không?

Ths.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, kể từ khi xuất hiện vào năm 2019, virus SARS-CoV-2 đã có nhiều đột biến, trong đó Omicron hiện là biến thể gây bệnh phổ biến nhất hiện nay.

Điều nguy hiểm là biến thể này đã có nhiều đột biến và hình thành nhánh phụ, trong đó có BA.5. Biến thể phụ mới BA.5 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 2/2022 và lan sang hơn 60 quốc gia trên thế giới. Hiện nay đã có ca bệnh nhiễm biến thể BA.5 ở Việt Nam, trong đó TP.HCM và Hà Nội mỗi nơi ghi nhận 3 trường hợp mắc biến thể này.

Theo ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, dự báo biến thể BA.5 của Omicron không nguy hiểm như Delta trước đây, nhưng theo cảnh báo của WHO thì diễn biến sắp tới khó lường và có thể gây ra làn sóng dịch mới.

Những người từng nhiễm Omicron vẫn có thể mắc lại biến thể phụ BA.5. Bởi lẽ, BA.5 mang đặc tính có thể lẩn trốn hệ miễn dịch, gồm cả khả năng lẩn tránh kháng thể tạo ra từ lần tiêm vaccine hay lần mắc COVID-19 trước đó, thậm chí cả kháng thể tạo ra nhờ từng nhiễm các phiên bản trước đó của Omicron. Điều này lý giải tại sao BA.5 lại lây lan nhanh hơn các biến thể phụ khác của Omicron.

BS Minh cũng thông tin ở một số quốc gia hiện nay, sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 biến thể mới của Omicron BA.5 cũng dẫn đến sự gia tăng nhập viện và điều trị hồi sức tích cực.

Các nghiên cứu phòng thí nghiệm nuôi cấy trên tế bào ghi nhận virus có biến thể BA.5 phát triển nhanh tại phổi và gây triệu chứng bệnh nghiêm trọng trên chuột hamster. Tuy nhiên đến nay không có bằng chứng lâm sàng cho thấy biến thể BA.5 khiến bệnh COVID-19 nặng hơn trên người.

Theo CDC Mỹ, 4 triệu chứng điển hình khi mắc Omicron, bao gồm Omicron BA.5 là ho, mệt mỏi, ngạt mũi, chảy nước mũi.

Giống như các biến thể Omicron xuất hiện từ trước, vaccine vẫn có vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hoặc giảm tỷ lệ tử vong cho những người bị nhiễm.

Qua các nghiên cứu, kháng thể sau tiêm vaccine liều cơ bản hoặc bị nhiễm COVID-19 sẽ giảm đáng kể sau 10-19 tuần, đặc biệt với biến thể Omicron. BA.5 cũng không phải là biến thể cuối cùng của virus gây bệnh COVID-19. Vì vậy chúng ta cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp cũng như tiêm chủng theo lịch tiêm được Bộ Y tế khuyến cáo.

Các mũi nhắc lại sẽ giúp gia tăng nồng độ kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng bệnh diễn tiến nặng hoặc tử vong, đặc biệt trong tình hình các biến thể mới liên tục xuất hiện trong tương lai.

Kim Ngân (TH)

1/2 số người nhiễm Omicron có thể không biết bản thân bị nhiễm bệnh

Kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí JAMA Network Open cho thấy, hầu hết những người nhiễm biến thể Omicron có các triệu chứng nhẹ đến mức họ không biết mình đã nhiễm bệnh.

Bạn có phải là một trong những người nghĩ rằng ai đó đã thoát được sự lây nhiễm COVID-19 một cách thần kỳ trong hơn 2 năm diễn ra đại dịch? Điều này có thể sai lầm vì kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí JAMA Network Open cho thấy, hầu hết những người nhiễm biến thể Omicron có các triệu chứng nhẹ đến mức họ không biết mình đã nhiễm bệnh.

Nhiều người không nghĩ rằng mình bị mắc COVID-19

Các nhà nghiên cứu cho biết 56% số người nhiễm SARS-CoV-2 không biết bản thân bị mắc COVID-19. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy có tới 80% số người mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã lấy mẫu máu của các nhân viên y tế, và vào năm 2021, họ cũng đã thu thập mẫu máu của bệnh nhân. Tổng số thu được gần 2.500 mẫu máu của nhân viên y tế và bệnh nhân vào thời điểm ngay trước hoặc sau khi bùng phát lây nhiễm biến thể Omicron.

Kết quả cho thấy, 210 người được xác định bị nhiễm biến thể Omicron, nhưng chỉ 44% trong số này biết rằng mình đã bị mắc COVID-19. Trong số những người không biết bản thân bị mắc COVID-19, chỉ 10% cho biết họ có các triệu chứng nhẹ mà họ nghĩ rằng đó là cảm lạnh thông thường hoặc nhiễm trùng khác.

Biến thể Omicron gây các đợt bùng phát lây nhiễm mạnh.

Trưởng nhóm nghiên cứu, TS. Susan Cheng tại Viện tim Smidt thuộc Trung tâm y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ), cho biết: "Hơn một nửa số người bị nhiễm biến thể Omicron không biết về tình trạng mắc COVID-19 của họ. Trong hầu hết các trường hợp, họ có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng. Trong một số trường hợp có các triệu chứng nhẹ, thì những triệu chứng này thường được nghĩ tới một số nguyên nhân khác như cảm lạnh thông thường".

Số ca nhiễm Omicron thực tế nhiều hơn số ca đã được báo cáo

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Kết quả nghiên cứu mới này giúp xác nhận những gì chúng tôi đã nghi ngờ trong một thời gian, đó là nhiều trường hợp mắc COVID-19 không được phát hiện - một phần vì không có biểu hiện triệu chứng và một phần là do khó khăn trong việc tiếp cận sử dụng xét nghiệm chẩn đoán".

"Hầu hết những người mắc COVID-19 đã không biết về tình trạng nhiễm bệnh của họ, đặc biệt là trong các đợt bùng phát lây nhiễm mạnh của đại dịch COVID-19" – các nhà nghiên cứu cho biết thêm.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, GS.TS Marc Siegel tại Trung tâm y tế NYU Langone ở Thành phố New York (Mỹ), cho biết: "Nghiên cứu mới cho thấy rõ ràng COVID-19 đã có thể gây lây nhiễm nhiều người hơn những gì đã được báo cáo".

TheoTS. Marc Siegel: "Có rất nhiều trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, rất nhẹ hoặc không có triệu chứng mà không nhận ra tình trạng nhiễm bệnh, và cũng có nghĩa là chúng ta đang nhận được nhiều khả năng miễn dịch đối với biến thể này. Điều đó có thể giúp giải thích bức tranh tổng thể về hiện trạng của đại dịch, đó là có rất nhiều trường hợp mắc COVID-19 nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp nặng".

Biện pháp để giải quyết đại dịch

Nên tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh COVID-19.

Theo TS. Susan Cheng, để có thể chiến thắng đại dịch, điều quan trọng là mọi người phải nhận thức rằng họ có thể bị mắc COVID-19 mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có thể gây lây nhiễm cho những người khác.

"Nâng cao nhận thức về nguy cơ lây nhiễm virus có thể giúp ích rất nhiều trong việc hạn chế sự lây lan COVID-19 đang diễn ra trong cộng đồng của chúng ta. Bởi vì tỷ lệ nhận thức đúng về lây nhiễm COVID-19 có vẻ chưa cao, nên cần tiến hành nhiều hoạt động cải thiện vấn đề này. Giờ đây, chúng ta đã có nhiều công cụ để có thể đạt được điều đó và hy vọng chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này nhanh hơn" - Susan Cheng nhấn mạnh.

TS. Marc Siegel cho rằng: "Điều đặc biệt quan trọng là hiện nay chúng ta đã nhận biết được mức độ lây truyền dễ dàng của SARS-CoV-2. Khi thấy có thêm 100.000 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày thì trên thực tế có thể có 1 triệu trường hợp nhiễm mới. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa khả năng miễn dịch nhận được sau mắc COVID-19 và khả năng miễn dịch nhận được từ tiêm chủng có thể giúp kìm chân đại dịch".

Theo các nhà khoa học, tiêm chủng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng. Và họ hy vọng sẽ sớm có các loại vaccine mới hiệu quả hơn so với vaccine hiện tại, bao gồm vaccine đường mũi và vaccine phòng virus corona phổ rộng.

BS. Tài Văn