VỆ SINH - KHỬ KHUẨN

1. Quy trình rửa tay

Trong tình hình đại dịch hoành hành trên toàn thế giới như hiện nay, một trong những biện pháp đơn giản, kinh tế, dễ thực hiện, nhưng lại rất quan trọng và hiệu quả để phòng tránh virus lây lan là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, dung dịch cồn y tế chứa ít nhất 60% cồn, hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. WHO khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên với xà bông/xà phòng/nước rửa tay… có thể giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp. 

Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau

Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ ngón tay.

Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.

Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước và làm khô tay.

2. Sát khuẩn vùng họng

Nút chặn sau cùng đó là việc súc họng với dung dịch sát khuẩn. Một khi virus vượt qua được những bức “tường lửa” nêu trên thì dung dịch sát khuẩn hầu họng sẽ đón sẵn để tiêu diệt nó. Và khi các virus sau khi nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài thì dung dịch sát khuẩn cũng đợi sẵn để tiêu diệt nó. Như vậy kể cả người chưa nhiễm và người đã nhiễm thì dung dịch sát khuẩn hầu họng sẽ là cứu cánh sau cùng phòng chống nhiễm bệnh cũng như phát tán bệnh.

Việc dùng dung dịch sát khuẩn vùng hầu họng để súc miệng cũng cần phải đúng cách mới hiệu quả. Có những loại dung dịch sát khuẩn có khả năng diệt được virus nhưng cũng có những loại không. Và mỗi loại dung dịch có khả năng diệt virus trong những khoảng thời gian khác nhau, có loại kéo dài 1-2 giờ sau khi súc họng nhưng có loại dài hơn 4 giờ. Các bạn chú ý xem kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuy nhiên có một số nguyên tắc cơ bản sau:

1. Phải súc họng chứ không súc miệng. Có nghĩa là ráng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà bạn có thể chịu được.

2. Không cần quá nhiều trong một lần súc, khoảng 5ml là đủ. Càng nhiều các bạn càng khó đưa dung dịch xuống sâu vùng hầu họng.

3. Súc họng trước khi đi ra ngoài, và ngay khi từ ngoài về nhà (hay ngay khi tiếp súc gần với người khác). Nếu trên máy bay thì nên súc mỗi 3 giờ (với chlohexidin hay povidone iodine) hay ngay sau khi ăn.

4. Trong vùng có dịch thì súc định kỳ theo thời gian tác dụng của mỗi loại dung dịch.

5. Đừng chủ quan nghĩ rằng nút chặn sau cùng này thay thế được các biện pháp khác. Hiệu quả của việc phòng bệnh là sự phối hợp đồng bộ tất cả những biện pháp.

Các loại nước súc miệng diệt khuẩn và vai trò

Nước súc miệng có nhiều loại khác nhau, thường ở dạng dung dịch chứa các chất sát khuẩn như axit boric, menthol, kẽm sulfat, cetylpyridinium, chlorhexidine,... Nước súc miệng này có vai trò diệt khuẩn tốt, trong nha khoa được khuyên dùng để giúp răng chắc khỏe, ngăn ngừa sâu răng.

Có nhiều loại nước súc miệng kháng khuẩn trên thị trường hiện nay, nhưng có thể chia thành những loại phổ biến theo thành phần sau:

1 Nước súc miệng chứa muối NaCl

Dung dịch này chứa NaCl đã được pha với nồng độ thích hợp, đảm bảo vừa có tác dụng sát khuẩn, vừa giúp bảo vệ tế bào niêm mạc miệng, họng. Từ đó giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại tồn tại ở hầu họng, ngăn ngừa viêm nhiễm.

Nồng độ NaCl được sử dụng hiện nay là 0,9%, trong y tế còn gọi là nước muối sinh lý, dung dịch muối đẳng trương là thích hợp nhất để súc miệng. Cách dùng nước muối NaCl này là súc miệng sau khi đánh răng vào buổi sáng và tối.

2 Nước súc miệng Listerine

Thành phần chính của nước súc miệng Listerine là Thymol nồng độ 0,064%, có thể có thêm một số loại tinh dầu khác như: tinh dầu bạc hà, tinh dầu lý bách hương, tinh dầu bạch đàn, tinh dầu methyl salicylat,...

Dung dịch này có tác dụng sát khuẩn, chống phù nề niêm mạc nhẹ, được chỉ định dùng súc miệng trong 30 giây, thực hiện 2 lần mỗi ngày.

3 Nước súc miệng Povidone-iod

Dung dịch nước súc miệng này chứa Povidone-iod 1%, đây là chất sát khuẩn hiệu quả, đồng thời giúp chống nấm, giảm bớt mùi hôi khoang miệng. Nồng độ chất Povidone-iod cao có thể gây phù nề, viêm niêm mạc miệng, do đó hãy tìm sản phẩm có nồng độ 1% thích hợp để súc miệng hàng ngày.

4 Dung dịch Giva

Dung dịch súc miệng diệt khuẩn này được chỉ định rộng rãi trong nha khoa, dùng cho các trường hợp viêm quanh răng, viêm họng để sát khuẩn, chống phù nề. Dung dịch này thường cần pha loãng tỉ lệ 1/10 với nước sạch để tăng hiệu quả, tránh gây tổn thương ngược.

3. Vệ sinh, khử khuẩn nơi làm việc và nơi ở

Khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày các vị trí hay tiếp xúc

Bộ Y tế khuyến cáo: Đối với nơi làm việc, khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày đối với  nền nhà, tường, bàn ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh. Các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung cần được khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn.

Đối với các bề mặt bẩn phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút, hoặc dung dịch chứa 0,05% Clo hoạt tính sau khi pha để lau các bề mặt.

Lưu ý chỉ pha lượng đủ dùng trong ngày, không để dung dịch đã pha sang ngày hôm sau vì hàm lượng Clo hoạt tính trong dung dịch không còn đủ để khử khuẩn.

Đối với các bề mặt, vật dụng không chịu nước như điều khiển điều hòa, ti vi, công tắc đèn, máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử dùng chung khác..., nên sử dụng dung dịch chứa ít nhất 60% cồn để khử khuẩn bằng cách dùng khăn sạch nhúng vào cồn và lau bề mặt, để khô tự nhiên không rửa lại với nước. Lưu ý tắt các  thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn. Người làm vệ sinh cần sử dụng găng tay cao su, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn môi trường nơi làm việc.

Tăng cường lưu thông khí, hạn chế dùng điều hòa

Cần tăng cường thông khí tại các khu vực, vị trí làm việc, trên phương tiện giao thông vận chuyển người lao động bằng cách tăng thông gió hoặc mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt hoặc các giải pháp phù hợp khác. Hạn chế sử dụng điều hòa.

Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện tại nơi làm việc để người lao động có thể bỏ khẩu trang, khăn giấy đã sử dụng, rác vào các thùng, đảm bảo vệ sinh nơi làm việc. Rác thải phải được thu gom và được xử lý hằng ngày theo đúng quy định.

Mỗi người lao động cần nâng cao ý thức, cùng tham gia và thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Để vệ sinh, khử khuẩn môi trường phòng chống dịch COVID-19, các gia đình cần làm theo 7 hướng dẫn sau:

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Ngoài các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống dịch COVID-19 thì vệ sinh, khử khuẩn tại gia đình là rất cần thiết. Theo đó, để vệ sinh, khử khuẩn môi trường phòng chống dịch COVID-19 tại gia đình, các gia đình cần làm theo 7 hướng dẫn sau:

1. Khử khuẩn bằng chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút, hoặc dung dịch chứa 0,05% clo hoạt tính sau khi pha. Chỉ pha dung dịch đủ dùng trong ngày.

2. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Sử dụng găng tay cao su, khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn.

3. Các bề mặt phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn.

4. Khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày đối với các vị trí nền nhà, tường, bàn, ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh.

5. Khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày đối với các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều kiển từ xa, điện thoại dùng chung. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn.

6. Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện.

7. Thực hiện thu gom, xử lý rác thải hằng ngày theo quy định.

3.1. Tư vấn vệ sinh cá nhân cho bé mùa dịch

3.2. Hướng dẫn vệ sinh, khử khuẩn tại nhà

3.3. Tư vấn vệ sinh môi trường sống mùa dịch Covid 19