Di chứng đau xương khớp

Đau mỏi cơ sau khỏi Covid-19

Mô cơ bị tổn thương do virus tấn công trực tiếp, phản ứng viêm, hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị có thể dẫn đến tình trạng mỏi cơ kéo dài sau khi khỏi Covid.


Tình trạng đau mỏi cơ kéo dài chiếm khoảng 20-30% triệu chứng dai dẳng hậu Covid, theo bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3. Đau cơ ở bệnh nhân Covid-19 có thể kéo dài hơn so với các trường hợp nhiễm virus khác, đáp ứng kém với thuốc giảm đau thông thường. Nguyên nhân và cơ chế của tình trạng này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu.


Ba giả thuyết được đặt ra. Thứ nhất, mô cơ bị tổn thương do sự tấn công trực tiếp của virus. Thứ hai thông qua phản ứng viêm dẫn đến tình trạng tăng nồng độ lactate máu, giảm pH nội bào và lượng oxy thấp gây đau mỏi cơ giống như mỏi cơ sau khi vận động quá sức. Hiện tượng tăng đông, viêm mạch máu trong và xung quanh dây thần kinh, cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu đến nuôi dưỡng cơ. Thứ ba, do tác dụng phụ của thuốc điều trị. Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị Covid-19 có thể gây ra tác dụng phụ đau cơ, ví dụ như các thuốc kháng virus (ribavirin), corticosteroid...


"Để giảm đau mỏi cơ kéo dài sau Covid-19, nên vận động, tập thở nhẹ nhàng giúp tuần hoàn được lưu thông, tăng cường trao đổi khí, cung cấp oxy cho mô đồng thời đẩy nhanh quá trình đào thải lactate dư thừa trong máu", bác sĩ Kim Oanh chia sẻ.


Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết: Theo y học cổ truyền, đau mỏi cơ thuộc phạm trù các chứng Tý, Thống. Hai nhóm cơ chế gây ra chứng này, là "bất thông tắc thống", hễ thông thoáng thì không đau, đã đau thì nơi nào đó ắt hẳn bị nghẽn; và "thất vinh tắc thống" thiếu nuôi dưỡng sẽ gây đau.


Căn cứ vào cơ chế trên và đặc điểm cụ thể của từng người bệnh, các bác sĩ kết hợp điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc để giúp khí huyết lưu thông, bồi bổ khí huyết, giải quyết tình trạng tắc nghẽn hoặc thiếu nuôi dưỡng, giúp cơ thể phục hồi nhanh.


Thầy thuốc dựa trên tính chất của triệu chứng đau mỏi cơ để phân thành các thể, từ đó có phương pháp điều trị, bài thuốc tương ứng. Ví dụ, đau mỏi cơ, cơ nặng nề, rêu trắng nhớt... cho thấy thể bệnh thiên về Thấp Tý. Bài thuốc điều trị là vị thuốc có tác dụng trừ thấp, hành khí hoạt huyết như bài Tam tý thang, Ý dĩ nhân thang... Đau mỏi cơ kèm cảm giác vận động không có sức, hơi thở ngắn, mệt mỏi, tiếng nói nhỏ, chán ăn... cho thấy thể bệnh thiên về Khí hư. Bài thuốc tương ứng bao gồm các vị thuốc bổ khí như bài sâm linh bạch truật tán, ngọc bình phong tán, bảo nguyên thang...


Áp dụng các phương pháp hỗ trợ không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp và dưỡng sinh. Châm cứu bằng cách tác động lên huyệt được lựa chọn, thúc đẩy lưu thông khí huyết trong các kinh mạch, lập lại quân bình cho cơ thể. Huyệt được lựa chọn là huyệt tại chỗ hoặc huyệt có tác dụng điều trị đặc hiệu để hoạt huyết... Mỗi liệu trình 10-15 ngày.


Ngoài ra, thầy thuốc thông qua những tác động trực tiếp lên da, gân cơ, hệ thống tuần hoàn mao mạch dưới da, thụ thể thần kinh dưới da... xoa bóp giúp tăng tuần hoàn, dinh dưỡng tại chỗ cho cơ, tạo cảm giác dễ chịu, khoan khoái. Thông thường liệu trình xoa bóp 10-15 lần, mỗi lần khoảng 15-20 phút.


"Người bệnh cũng có thể tập các bài tập dưỡng sinh như thở bốn thời, thư giãn, xem xa xem gần... giúp khí huyết lưu thông, phổi hoạt động tốt hơn. Nên tập dưỡng sinh mỗi ngày 20-30 phút", bác sĩ khuyên.

Lê Cầm 

Đau nhức xương khớp hậu Covid-19

50% bệnh nhân khám hậu Covid tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM có triệu chứng đau nhức xương khớp, thường gặp ở người tiền sử mắc bệnh nền về cơ xương khớp.


Bác sĩ Nguyễn Tấn Vũ, khoa Nội cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên và nói thêm số bệnh nhân gặp tình trạng đau nhức xương khớp sau khi khỏi Covid-19 đến viện khám ngày càng tăng. Trong đó, khoảng 15-30% người được phát hiện dương tính sau 2-14 ngày khởi phát bệnh. Sau khi điều trị khỏi bệnh, người bệnh vẫn còn các triệu chứng sưng đau nhức khớp, đau mỏi yếu cơ... được xem là mắc hội chứng Covid kéo dài (4 tuần sau khi khỏi bệnh) và hội chứng hậu Covid (12 tuần sau khi khỏi bệnh). Tỷ lệ người bị đau nhức xương khớp sau khi khỏi bệnh có thể lên đến 50%.


Các triệu chứng đau nhức xương khớp ghi nhận ở cả người có tiền sử mắc các bệnh về cơ xương khớp, như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp, gout... Những bệnh nền này đã được kiểm soát ổn định. Song sau khi mắc Covid-19, người bệnh rơi vào đợt bùng phát bệnh mới, rầm rộ hơn. Xương khớp người bệnh dễ bị tổn thương hơn, tăng mức độ nặng của bệnh, điều chỉnh thuốc cũng khó khăn hơn rất nhiều, nhất là bệnh nhân viêm khớp tự miễn đang sử dụng thuốc sinh học.


Những người chưa từng bệnh cơ xương khớp, sau khỏi Covid-19 cũng cảm thấy đau nhức, mỏi cơ xương khớp nhiều hơn, như đang trong một đợt cảm cúm.


Theo bác sĩ Vũ, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tìm cách lý giải nguyên nhân gây đau nhức xương khớp hậu Covid. Một số giả thuyết được đưa ra. Đó có thể là bộ gene của nCoV được hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận dạng, làm kích hoạt phản ứng viêm toàn thân tấn công các hệ cơ quan khác cũng như ở các khớp. Nguyên nhân khác, có thể do mạch máu, tế bào ở các vùng cơ xương khớp bị tổn thương, để lại di chứng là đau nhức, yếu cơ, viêm khớp. Ngoài ra, cũng có thể khi mắc Covid thể nặng, người bệnh phải nằm một chỗ lâu ngày, hoặc dùng các thuốc điều trị ảnh hưởng đến hệ thống cơ. Tình trạng này dễ gặp với bệnh nhân phải thở máy khi điều trị Covid, hệ cơ xương khớp yếu đi sau khi khỏi bệnh.


"Người mắc Covid-19 càng nặng thì di chứng càng nhiều và nghiêm trọng. Tuy nhiên, đa số di chứng cải thiện sau 6-12 tháng; phát hiện và điều trị phục hồi sớm sẽ đem lại hiệu quả tích cực", bác sĩ Vũ nói.

Bác sĩ Vũ khuyên để giảm đau nhức xương khớp cần phải có sự kiên trì, phối hợp nhiều phương pháp. Trước tiên là các biện pháp điều trị đau đơn giản, có thể áp dụng tại nhà như dùng thuốc giảm đau thông thường là paracetamol. Liều dùng 10-15 mg/kg, mỗi liều uống cách nhau 4-6 tiếng. Một số loại thuốc kháng viêm cơ bản như ibuprofen có thể sử dụng để điều trị đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, người có tiền sử đau dạ dày, bệnh tim mạch, đang dùng các thuốc đông máu, thuốc kháng kết tập tiểu cầu... phải đặc biệt thận trọng với ibuprofen.


Các cách giảm đau nhức dân gian như xông hơi, chườm ấm, chườm lạnh, chườm ngải cứu, massage... cũng rất hiệu quả. Đang sốt cao, tiêu chảy mất nước, ăn uống kém, hạn chế liệu pháp xông toàn thân vì có thể làm nặng thêm tình trạng mất nước và rối loạn điện giải. Nhóm người bệnh cao tuổi và trẻ nhỏ cần đề phòng nguy cơ bị bỏng do nhiệt...


Trường hợp cơn đau dai dẳng kéo dài trên hai tuần, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và lên phác đồ điều trị, bác sĩ khuyến cáo. Bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu hình ảnh để xác định đợt bùng phát bệnh và có biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu bệnh nhân không có tiền căn của các bệnh cơ xương khớp, đau do hội chứng Covid kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định dùng nhiều biện pháp kết hợp để giúp giảm đau như thuốc kháng viêm, vật lý trị liệu (tập vận động, laser, siêu âm trị liệu...).


Bác sĩ cũng khuyên F0 khỏi bệnh nên thực hiện sớm các bài tập vận động tùy theo khả năng của mỗi người. Hoạt động co duỗi khớp đơn giản, đạp xe đạp, đi bộ, đến các bài tập cường độ cao đều có thể giúp tinh thần sảng khoái, rút ngắn thời gian hồi phục. Vận động đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày không những giúp tăng cường sức mạnh, sự dẻo dai của cơ bắp mà còn kích thích sụn khớp được dinh dưỡng tốt hơn, tái tạo sụn khớp tổn thương cũng như giảm các phản ứng viêm có hại trong khớp. Bệnh nhân có biểu hiện yếu, teo cơ, cần được bác sĩ phục hồi chức năng tư vấn các bài tập phù hợp để sức mạnh và khối lượng cơ sớm phục hồi.


Anh Thái

Cách giảm đau nhức xương khớp hậu Covid

Mẹ tôi đã khỏi Covid nhưng hay bị đau nhức xương khớp, đi lại khó khăn, thỉnh thoảng khó thở, mất ngủ. Mong bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp (Thu Hiền, TP HCM).


Trả lời:


Di chứng hậu Covid là vấn đề mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn nhắc nhở mọi người lưu ý, bởi đây là tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Một số triệu chứng thường gặp là khó thở hoặc thở gấp, đau nhức xương khớp (tay, chân, lưng), mất thăng bằng, suy giảm chức năng vận động, yếu cơ, tay chân mất sức, cơ thể dễ mệt mỏi...


Tùy vào thể trạng mỗi người mà di chứng có thể kéo dài từ 12 tuần đến 6 tháng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có những người chỉ bị khó chịu và suy nhược trong khoảng thời gian ngắn rồi hồi phục và trở về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, cũng có người bị di chứng suốt thời gian dài, chưa thể quay lại sinh hoạt và làm việc như trước. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp stress do quá trình nhiễm bệnh, cũng như đọc quá nhiều thông tin về hậu Covid rồi trở nên lo lắng, hồi hộp, ăn không ngon ngủ không yên, tinh thần xuống cấp rõ rệt.


Di chứng hậu Covid là phản ứng miễn dịch sau nhiễm trùng do cơ địa đặc biệt của người bệnh. Trong quá trình nhiễm bệnh, nCoV tấn công vào nhiều loại tế bào trong cơ thể, nhất là các tế bào màng trong của mạch máu và các cơ quan hô hấp, gây nhiễm trùng hệ miễn dịch. Điều đáng nói ở đây là mạch máu tồn tại ở mọi nơi trên cơ thể nên một khi mạch máu bị tàn phá sẽ dẫn đến tổn tương tất cả các cơ quan.


Cụ thể, liên quan đến tình trạng khó thở, nguyên nhân là do mạch máu ở phổi bị tổn thương gây sưng viêm tế bào phổi, để lại di chứng là khó thở, thở gấp, thở nặng... Tương tự với tình trạng đau nhức xương khớp, nguyên nhân là do mạch máu ở các vùng cơ - xương khớp bị tổn thương, để lại di chứng là đau khớp, cứng cơ, thậm chí có thể biến chứng thành viêm khớp. Hơn nữa nếu bệnh nhân mắc Covid thể nặng, phải nằm tại giường bệnh lâu ngày, đặc biệt là những ai thở máy càng khiến hệ cơ xương khớp yếu đi.


Ai may mắn khỏi bệnh vẫn không đồng nghĩa bình phục hoàn toàn. Có người cần khoảng vài tháng (nếu nhiễm mức độ nhẹ), thậm chí vài năm (nếu nhiễm mức độ nặng) để phục hồi chức năng, nâng đỡ tinh thần và tẩm bổ cho cơ thể. Thời điểm vàng để phục hồi là ngay sau khỏi bệnh, nhằm rút ngắn thời gian, tăng mức hiệu quả, để người bệnh sớm trở về với nhịp sống thường nhật.


Với những ai bị đau nhức xương khớp, có rất nhiều cách giảm đau từ chườm, bôi thuốc, uống thuốc đến các phương pháp trị liệu bảo tồn không dùng thuốc - không xâm lấn như trị liệu nắn chỉnh cột sống (chiropractic), vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.


Các phương pháp điều trị bảo tồn này đều có mục đích là phục hồi khả năng vận động, tăng cường chức năng hô hấp, cải thiện sức khỏe tinh thần do di chứng hậu Covid để lại.


Vật lý trị liệu: Dùng kỹ thuật tay chuyên biệt kết hợp với công nghệ sóng siêu âm và điện xung trị liệu, để tác động sâu vào mô mềm để tăng tuần hoàn mạch máu, giải tỏa căng thẳng tại cơ bắp, giảm đau cơ, cứng cơ, mỏi cơ, cũng như nâng tầm vận động cho các cơ.


Phục hồi chức năng: Ứng dụng hệ thống thiết bị phục hồi chức năng và các bài tập chuyên sâu cho từng vùng trên cơ thể (cổ, vai, lưng, tay chân...) nhằm cải thiện chức năng hô hấp, tăng cường khả năng vận động ở các khớp.


Trị liệu nắn chỉnh cột sống: Với tác dụng giải phóng áp lực chèn ép tại đốt sống và các khớp, đặc biệt là vị trí ngực (giúp lồng ngực giãn nở tốt hơn, cải thiện khả năng hô hấp). Đồng thời, trị liệu này giảm đau rõ rệt và thúc đẩy quá trình tự chữa lành tổn thương của cơ thể. Có thể nói, phương pháp này là lựa chọn phù hợp với những trường hợp mắc di chứng hậu Covid nặng, cần được điều trị chuyên biệt.


Ba phương pháp trị liệu này đều có tại các phòng khám xương khớp uy tín. Tốt nhất là người bệnh đi tầm soát sức khỏe cột sống để được chẩn đoán chính xác và điều trị bằng liệu trình phù hợp.


Bên cạnh đó, người bệnh giữ cho hệ hô hấp ổn định sẽ giúp tuần hoàn máu lưu thông tối đa, hỗ trợ quá trình phục hồi đau xương khớp diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Đồng thời cải thiện tình trạng thở gấp hoặc khó thở. Người bệnh có thể tập thở theo hai bài tập thở phổ biến như thở cơ hoành và thở mím môi.


Thở cơ hoành


Bước 1: Đặt tay ở bụng dưới, khép môi và đặt lưỡi lên vòm miệng.


Bước 2: Hít vào bằng mũi và đưa không khí xuống bụng.


Bước 3: Từ từ thở ra bằng mũi.


Thở mím môi


- Bước 1: Hít vào bằng mũi rồi khép miệng


- Bước 2: Từ từ thở ra bằng miệng, sao cho thời gian thở ra chậm một nửa so với khi hít vào


Một điều lưu ý là mọi người có thể tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất và hợp lý. Bổ sung đủ nước, chất xơ, protein, vitamin trong rau xanh và trái cây. Nếu thấy chán ăn, có thể chia ra nhiều bữa ăn nhỏ. Hạn chế ăn đường, không uống rượu, cafe, trà vì có thể gây khó ngủ. Lưu ý không hút thuốc vì gây hại cho phổi - cơ quan bị suy yếu nhất sau quá trình chống chọi với nCoV.


Quá trình phục hồi hậu Covid đòi hỏi sự kiên trì và tinh thần lạc quan. Dó đó, hãy vững tin rằng cơ thể đang dần tốt lên mỗi ngày. Chăm chỉ tập thể dục, áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, bổ sung dinh dưỡng và giữ cho bản thân luôn vui vẻ là cách hiệu quả nhất giúp nhanh chóng vượt qua di chứng hậu Covid, trở về cuộc sống bình thường.


Bác sĩ Paul D’Alfonso

Chuyên gia trị liệu Thần kinh cột sống, Phòng khám Maple Healthcare

Đau khớp có thể kéo dài một năm sau khỏi Covid

Đau nhức xương khớp là một trong 10 di chứng hậu Covid phổ biến hàng đầu và có thể kéo dài 6 tháng đến một năm sau khi khỏi bệnh.


Một nghiên cứu được đăng trên Thư viện quốc gia Mỹ (NCBI) mới đây cho thấy khoảng 60% bệnh nhân Covid-19 sau 6 tháng khỏi bệnh vẫn bị đau cơ, đau khớp khắp cơ thể hoặc đau khớp cục bộ ở đầu gối, bàn chân, mắt cá chân và vai. Một số cuộc khảo sát khác cũng chỉ ra khoảng 4,6% đến 12% người vẫn còn biểu hiện đau khớp trong suốt năm đầu tiên sau mắc Covid-19.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Lão khoa Cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nguyên nhân sau khỏi Covid bị đau khớp dai dẳng, trước tiên là do sự tăng sinh quá mức angiotensin II do nhiễm nCoV. Sự gia tăng thụ thể angiotensin II trực tiếp kích thích tạo thành ROS (gốc tự do) trong bạch cầu và hoạt hóa các tế bào lympho sản xuất ra nhiều chất gây viêm (cytokine) và chemokine, gây ra cơn bão cytokine. Bão cytokine khiến phản ứng viêm lan rộng toàn thân, vừa làm tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp (điển hình như viêm khớp do virus, viêm khớp phản ứng, viêm khớp dạng thấp), vừa khiến người bệnh viêm khớp khó phục hồi sau nhiễm nCoV.


Hơn nữa, virus khi xâm nhập vào cơ thể còn gây rối loạn chức năng nội mô thông qua thụ thể men chuyển ACE2, làm giảm sản xuất oxit nitric (NO). Giảm NO kéo theo sự suy giảm khả năng giãn của động mạch, dẫn đến tăng huyết áp và giảm lưu lượng máu đến sụn khớp, xương dưới sụn và màng hoạt dịch.


Phản ứng viêm và rối loạn nội mô do nhiễm nCoV khiến xương khớp bị tổn thương, khởi phát hoặc tăng nặng thoái hóa khớp. Đây cũng có thể là lý giải một phần vì sao khỏi Covid bị đau khớp dai dẳng.


Ngoài ra, phản ứng miễn dịch quá mức dưới sự tác động của nCoV có thể làm ảnh hưởng đến các thụ thể cảm giác của hệ thần kinh. Khi các thụ thể cảm giác này bị thương tổn, trở nên nhạy cảm hơn sẽ khiến cơ thể cảm nhận cơn đau ở khớp dữ dội và kéo dài hơn bình thường, bác sĩ Vân cho biết thêm.


Theo bác sĩ Vân, để cơn đau khớp hậu Covid-19 nhanh chấm dứt, cần chú ý nâng cao sức khỏe tổng thể thông qua chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý để giảm thiểu tối đa các di chứng. Trong đó, đối với chế độ dinh dưỡng, nên xây dựng khẩu phần ăn với đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt tăng cường rau xanh, trái cây và hải sản chứa nhiều vi chất như cá, tôm, cua, ngao... Cơ thể mới hồi phục, chưa thể hấp thu cùng lúc nhiều dưỡng chất, nên chia nhỏ thực đơn thành 3-5 bữa nhỏ trong ngày.


Bên cạnh đó, người bệnh cần tập thể dục thể thao với các bộ môn vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe chậm, tập dưỡng sinh, yoga... Việc tập luyện nên được thực hiện trong khoảng 30 phút mỗi ngày và duy trì thói đều đặn mỗi ngày. Lưu ý tập luyện vừa phải, không lười biếng nhưng cũng không quá gắng sức. Trường hợp tập luyện có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt... thì cần tạm ngưng để theo dõi sức khỏe.

Những người từng là F0 cũng nên chú trọng đến đời sống tinh thần, giấc ngủ và quản lý tốt vấn đề căng thẳng bằng các hoạt động tích cực, mang tính thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, trò chuyện cùng người thân và bạn bè. Hạn chế theo dõi những tin tức tiêu cực khiến tinh thần trì trệ, cản trở quá trình phục hồi của cơ thể và làm tăng nặng phản ứng viêm tại khớp.


Người có tiền sử đau khớp, bị đau khớp kéo dài hậu Covid-19, có thể bổ sung các tinh chất chuyên biệt có khả năng nuôi dưỡng và bảo vệ khớp chắc khỏe, như eggshell membrane, turmeric root giúp điều hòa miễn dịch, giảm sản sinh cytokine gây viêm; collagen peptide giúp tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn; collagen type 2 không biến tính giúp giảm đau, tăng khả năng vận động cho khớp...


Điều trị bệnh khớp nói chung và đau nhức xương khớp hậu Covid-19 nói riêng cần một phác đồ y khoa tổng thể. Do đó, khi có dấu hiệu đau bất thường, người bệnh nên thăm khám tại các chuyên khoa xương khớp uy tín để được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp và an toàn. Không nên tự ý dùng thuốc theo lời truyền miệng hoặc thông tin chia sẻ thiếu căn cứ, bác sĩ Vân khuyến cáo.


Hường Nguyễn