Di chứng yếu sinh lý

Lãnh cảm tình dục hậu Covid

HÀ NỘIRối loạn sinh dục, suy giảm ham muốn là một trong nhiều di chứng Covid được ghi nhận ở cả nam và nữ giới, bác sĩ khuyên thay đổi lối sống và điều trị khi cần.


Khỏi Covid, người đàn ông 35 tuổi mệt mỏi, kém tập trung và không hứng thú chuyện chăn gối như trước. Đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khám, bệnh nhân cho biết chỉ mắc Covid triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh sau một tuần nhưng vẫn mệt mỏi kéo dài, kèm giảm ham muốn và có biểu hiện rối loạn cương. Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng testosterol của anh chỉ còn 7,9 nmol/L, trong khi phạm vi bình thường dao động 10-28 nmol/L.


"Đây là dấu hiệu điển hình của suy sinh dục và cần có chỉ định dùng thuốc điều chỉnh hormone testosterol", bác sĩ Phạm Minh Ngọc, chuyên khoa Nam học, nói. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mệt mỏi, thất vọng, phiền muộn, lãnh cảm, giảm khả năng sinh sản và rạn nứt quan hệ vợ chồng. Để điều trị, bác sĩ kê cho anh thuốc đặc hiệu và hướng dẫn kết hợp chế độ luyện tập, ăn uống để sớm hồi phục.


Tình trạng rối loạn sinh dục cũng gặp ở phụ nữ. Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết gần đây có nhiều chị em đến khám do ngại sinh hoạt vợ chồng sau khỏi Covid. Như bệnh nhân 25 tuổi, mất hẳn ham muốn, lảng tránh, thậm chí áp lực tâm lý vì không muốn quan hệ dù cả hai mới kết hôn. Tình trạng này kéo dài hai tháng không dứt, chị đến bệnh viện kiểm tra.


Lý giải điều này, bác sĩ Ngọc cho biết Covid không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục và thường gặp hơn ở nam giới. Nguyên nhân do virus tấn công trực tiếp vào tinh hoàn tại tế bào Leydic thông qua cơ chế với chất ACE-2; tấn công vào mạch máu nhỏ ở dương vật làm suy chức năng mạch máu, giảm tưới máu dương vật, gây rối loạn cương. Các di chứng lâu dài của Covid tại phổi như xơ hóa phổi có thể gây thiếu oxy mạch máu dương vật, dẫn đến cương kém. Hoặc, người có vấn đề về hô hấp sau Covid có thể trở nên quá mệt mỏi, hụt hơi khi quan hệ tình dục. Với những người bị rối loạn cương từ trước, di chứng sẽ khiến tình trạng cương kém hơn, thậm chí gây rối loạn tình dục ở cả những người tiền sử khỏe mạnh.


Nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoảng 24% nam giới sau nhiễm Covid có ghi nhận giảm lượng testosterone, và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sinh lý. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng việc giảm testosterone này tới tình trạng mệt mỏi kéo dài hoặc các biểu hiện khác và không phải ai cũng bị suy giảm ham muốn hậu Covid.


Đại dịch cũng khiến phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều áp lực như cơm áo gạo tiền, lo âu cho sức khỏe, cách ly điều trị và cả việc không có không gian để sẻ chia... dẫn đến căng thẳng, nhàm chán tình dục. "Song, nữ giới may mắn hơn khi chưa thấy bằng chứng có tổn thương Covid-19 ở cơ quan sinh dục", bác sĩ Thành cho hay.


Theo bác sĩ, nữ giới giảm ham muốn thường do chán nản nên không muốn quan hệ hoặc muốn quan hệ nhưng lại lo ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, quan hệ vợ chồng đúng cách giúp kích thích hệ miễn dịch, tăng cường khả năng chống chọi với virus," kể cả khi mắc Covid nhưng triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vẫn có thể sinh hoạt bình thường giúp cải thiện tâm lý, tinh thần, nâng cao tình cảm gia đình".


Trường hợp F0 sốt cao, khó thở, suy hô hấp... nên kiêng quan hệ tối thiểu ba ngày hoặc F0 không triệu chứng nhưng mắc bệnh nền như suy tim, suy hô hấp... cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo an toàn.


Bên cạnh đó, không quan hệ tình dục và stress là một vòng xoáy lặp đi lặp lại. Ví dụ, khi tâm lý bất ổn sẽ dẫn đến sinh hoạt vợ chồng không thoải mái và khi sinh hoạt không thoải mái thì càng khiến stress gia tăng. Chưa kể, khi mắc bệnh, thể trạng yếu hơn, suy giảm ham muốn là điều dễ hiểu, thậm chí nhiều trường hợp vợ chồng sau khi khỏi bệnh đã không quan hệ đến hai hoặc ba tháng. Do đó về mặt khoa học, hai vợ chồng nên cố gắng sinh hoạt tình dục lại sớm để giải tỏa căng thẳng đồng thời nâng cao sức khỏe.


"Có thể lúc đầu không hứng thú nhưng thường xuyên gần gũi sẽ giúp hai vợ chồng nhanh lấy lại cảm xúc hơn", bác sĩ nói.

Bác sĩ khuyến cáo, F0 khỏi bệnh nên chú ý lắng nghe cơ thể của mình. Nếu như có những biểu hiện như mệt mỏi, mất tập trung, thờ ơ, giảm ham muốn, lãnh cảm tình dục, cương dương kém... thì phải thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh. Không hút thuốc lá, không uống rượu, bia, không sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện; tập thể dục ít nhất 15-20 phút/ ngày, tập các bài tập cải thiện thông khí phổi. Hai vợ chồng nên bổ sung dinh dưỡng, tăng cường tập luyện, không thức khuya, hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, mỡ, nội tạng động vật.


Trường hợp bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe sinh sản, rối loạn tình dục, cần gặp bác sĩ tư vấn để được điều trị kịp thời.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa hội chứng hậu Covid -19 xảy ra ở những người nhiễm bệnh được ba tháng, với triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất hai tháng mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác. Tùy thuộc vào các tổn thương do Covid gây ra hoặc các biến chứng tại thời điểm thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.


Minh An

Yếu sinh lý hậu Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19, tôi thấy cơ thể yếu hơn nhiều, khả năng sinh lý giảm hẳn. Làm sao để cải thiện, thưa bác sĩ? (Hùng, 36 tuổi, Nam Định).


Trả lời:


Suy giảm ham muốn là một di chứng Covid-19 được ghi nhận. Theo các nghiên cứu, khoảng 20% nam giới sau mắc Covid-19 có ghi nhận giảm lượng testosterone, điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sinh lý. Bên cạnh đó, F0 có thể bị các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, mất ngủ... trong nhiều tháng sau khi nhiễm virus. Theo thời gian, những tác động sức khỏe này ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Những người có vấn đề về hô hấp sau Covid-19 khả năng mệt mỏi, hụt hơi khi quan hệ tình dục.


Sau mắc Covid-19, nam giới nên chú ý lắng nghe cơ thể. Nếu có những biểu hiện như mệt mỏi, mất tập trung, thờ ơ, giảm ham muốn, lãnh cảm tình dục, cương dương kém... hãy thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh như không hút thuốc lá, không uống rượu, bia, không sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện.


Bạn nên tập thể dục ít nhất 15-20 phút/ngày, tập các bài tập cải thiện thông khí phổi; ăn tăng hoa quả, chất xơ; hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, mỡ, nội tạng động vật. Cùng với đó, bạn cần thoải mái tâm lý. Sức khỏe tình dục đóng vai trò quan trọng trong cấu thành sức khỏe nói chung.


Nếu sau một thời gian các triệu chứng trên không cải thiện, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa Nam học để khám. Bác sĩ sẽ tùy trường hợp mà thực hiện một số xét nghiệm đánh giá như hormone testosterone, siêu âm Doppler mạch máu dương vật, đường máu, mỡ máu, chức năng thận..., từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.


Bác sĩ Phạm Minh Ngọc

Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Suy giảm ham muốn sau khỏi Covid

Sau khỏi Covid-19, tôi giảm hẳn ham muốn tình dục với bạn gái, thường rơi vào trạng thái chán nản, lo lắng. Đây có phải di chứng Covid-19? (Nam, 27 tuổi).


Trả lời:


Theo các nghiên cứu thế giới, suy giảm ham muốn hậu Covid-19 là vấn đề thường gặp ở nam giới. Virus khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công các thụ thể ACE2 nằm trên màng tế bào, từ đó xâm nhập các tế bào trong cơ thể người. Các thụ thể này có rất nhiều ở niêm mạc miệng, phổi, tim, các cơ quan khác gồm cơ quan sinh dục, buồng trứng, nội mạc tử cung ở nữ và tinh hoàn ở nam.


Khi virus tấn công vào tinh hoàn, các tế bào tinh hoàn bị tổn thương, dẫn đến việc tổng hợp hormone nam giới (testosterone) và tinh trùng bị ảnh hưởng, từ đó khiến nồng độ testosterone trong máu bị suy giảm. Ngoài ra, việc phải điều trị và cách ly kéo dài khi mắc Covid-19 gây căng thẳng tâm lý, khiến cơ thể nam giới tăng bài tiết hormone cortisol - yếu tố gây giảm nồng độ testosterone và nitric oxide. Chính việc suy giảm nồng độ các chất này khiến người nam cảm thấy mất hứng thú tình dục.


Ngoài tấn công đường hô hấp, virus còn gây rối loạn nội mô, gây phản ứng viêm làm hỏng tính toàn vẹn của nội mạc mạch máu, tăng tính thấm, kích hoạt quá trình đông máu và tổn thương vi mạch. Chức năng mạch máu suy giảm dẫn đến rối loạn cương dương. Ngay cả các trường hợp Covid-19 không triệu chứng thì sự tổn thương vi mạch vẫn diễn ra. Vì vậy, rối loạn cương dương có thể gặp ở cả F0 thể nhẹ.


Bên cạnh đó, sau khi khỏi Covid-19, những di chứng sức khỏe chung như mệt mỏi, mất ngủ, mất cảm giác ngon miệng, suy giảm trí nhớ... cũng làm suy giảm ham muốn tình dục.


Tình trạng của bạn rất có thể do di chứng Covid-19. Để chắc chắn, bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa nam học sớm để khám và điều trị, tránh tâm lý e ngại làm bệnh nặng lên.


Bạn có thể tự thực hiện một số việc sau ngay tại nhà nhằm nâng cao sức khỏe thể chất nói chung và sức khỏe tình dục nói riêng, như: tập luyện thể dục thể thao điều độ hàng ngày, cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe; uống nhiều nước, ăn tăng cường các loại rau xanh, hoa quả tươi. Bổ sung chế độ ăn thịt đỏ, hải sản, trứng, sữa, giá đỗ... Ngoài ra, bạn nên hạn chế tối đa hoặc không dùng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích; ngủ đúng giờ, tránh thức khuya, đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày.


Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp

Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội

Mắc Covid có nên quan hệ tình dục?

F0 sốt cao, khó thở, suy hô hấp... kiêng quan hệ tối thiểu ba ngày; trường hợp triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vẫn có thể "yêu" bình thường.


Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương khuyên như trên, ngày 23/3 và nói thêm hai vợ chồng nếu một người xét nghiệm dương một người âm tính thì bắt buộc cách ly ít nhất 7 ngày tránh lây nhiễm cho nhau. Sau khi hết sốt hoặc không còn các triệu chứng nặng khác, vợ chồng có thể quan hệ trở lại. Riêng F0 không triệu chứng nhưng mắc bệnh nền như suy tim, suy hô hấp... cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo an toàn.


"Quan hệ vợ chồng đúng cách giúp kích thích hệ miễn dịch tăng cường khả năng chống chọi với virus", bác sĩ nói. Do đó về mặt khoa học, hai vợ chồng nên cố gắng sinh hoạt lại sớm để giải tỏa những ngày ở nhà điều trị đồng thời nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, mắc Covid hay cách ly dài ngày có thể khiến bạn bị lo âu, căng thẳng, stress. Việc quan hệ vợ chồng là giải pháp để kết nối sẻ chia, cải thiện tâm lý, tinh thần, nâng cao tình cảm gia đình.


Giáo sư, bác sĩ Ngô Quý Châu, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cũng cho rằng sinh hoạt vợ chồng là nhu cầu rất thực tế nhưng cần cân nhắc tình trạng sức khỏe, vì đây là hoạt động gắng sức. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng, làm giảm ham muốn tình dục. "Nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cần đi khám để biết được chính xác lý do, từ đó mới có thể xử lý vấn đề tận gốc", bác sĩ nói.


Do đó, bác sĩ khuyên để sớm trở lại cuộc sống bình thường, vợ chồng nên sinh hoạt đều đặn và đúng cách. Bổ sung dinh dưỡng, tăng cường tập luyện, không thức khuya, không lạm dụng các chất kích thích, bia rượu... để cơ thể sớm hồi phục, giảm di chứng hậu Covid. Trường hợp bệnh nhân có vấn đề về về sức khỏe sinh sản, rối loạn tình dục, cần gặp bác sĩ tư vấn để được điều trị kịp thời.


Minh Anh

Covid-19 ảnh hưởng sinh lý đàn ông thế nào

Nghiên cứu cho thấy người mắc Covid-19 không chỉ bị tổn thương phổi, cơ thể suy nhược, mà còn gặp các vấn đề liên quan đến chức năng sinh sản, sức khỏe tình dục cả ngắn và dài hạn.


Bác sĩ Từ Thành Trí Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết như trên và chia sẻ dịch bệnh kéo dài cũng ảnh hưởng đến đời sống tình dục của nam giới không mắc Covid.


Căng thẳng, stress trong một thời gian dài khiến cơ thể nam giới sinh ra hormone cortisol, được coi là tác nhân làm sụt giảm testosterone và nitric oxide - hai yếu tố đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh lý. E ngại về dịch bệnh còn có thể khiến nam giới trì hoãn đi khám những vấn đề nam khoa. Trong khi đó, càng chậm trễ thì hiệu quả điều trị tình trạng suy giảm sinh lý nam càng thấp.


Các nghiên cứu cho thấy nCoV ảnh hưởng đến chức năng sinh dục nam. Theo các nhà khoa học, cơ chế gây bệnh của nCoV dựa trên cấu trúc protein gai gắn với thụ thể (protein) ACE 2 nằm trên màng tế bào, từ đó xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể con người. Thụ thể ACE 2 hiện diện rất nhiều ở màng tế bào niêm mạc miệng, phổi, tim, các cơ quan khác gồm cơ quan sinh dục, buồng trứng, nội mạc tử cung ở nữ và tinh hoàn ở nam. Nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Trung tâm Y tế Cleveland, Ohio, Mỹ, cho thấy nCoV được phát hiện trong tinh hoàn của các bệnh nhân nam.

Ở nam giới, tinh hoàn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản và đời sống sinh lý, là nơi sản xuất tinh trùng và khoảng 95% lượng hormone testosterone. Tinh hoàn bị tổn thương, khả năng sản sinh hormone sinh dục và tinh trùng sẽ bị ảnh hưởng.


Theo một báo cáo tổng hợp từ 60 nghiên cứu tại nhiều quốc gia, nam giới mắc Covid-19 có nguy cơ rối loạn cương dương cao gấp 5 lần người không mắc. Trong thời gian đại dịch, có sự gia tăng đáng kể các bệnh lý về nam khoa và rối loạn cương dương so với trước khi có đại dịch. Một trong những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng này đó là sự suy giảm testosterone.


Đồng thời, khi nhiễm virus, tình trạng viêm của cơ thể nguy cơ gây nên sự hình thành các cục máu đông nhỏ và tổn thương tại niêm mạc mạch máu. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu ở động mạch, gây trở ngại quá trình cương dương. Với các tác động kể trên, khi mắc Covid-19, nam giới dễ bị giảm khả năng tình dục như giảm ham muốn, rối loạn cương dương, dẫn đến các vấn đề về sinh sản như giảm tỷ lệ thụ thai.


Theo bác sĩ Trí Dũng, nam giới gặp trục trặc về sức khỏe tình dục nên thay đổi lối sống theo cách tích cực như tập luyện thể dục, sinh hoạt ăn ngủ điều độ, không thức khuya, không lạm dụng các chất kích thích, bia rượu...


Để cải thiện đời sống sinh lý, nên duy trì chế độ ăn uống đảm bảo đủ các nhóm chất (nhất là thịt cá, dầu omega 3), rau xanh và chất xơ, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh để kiểm soát cân nặng. Xây dựng và duy trì chế độ tập luyện, có thể ở ngoài trời, trong nhà hoặc phòng gym. Bất cứ môn nào nếu được tập luyện đúng kỹ thuật và thời lượng đều tốt cho cơ thể người đàn ông. Trong đó, các môn tập tạ, chạy nước rút được coi là cách để thúc đẩy cơ thể sản sinh testosterone nhanh hơn.


Người gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn, cần được bác sĩ về nam khoa khám để chẩn đoán đúng tình trạng và điều trị nếu cần thiết, không nên có tâm lý "chờ hết dịch rồi tính tiếp" vì có thể làm cho vấn đề trầm trọng hơn. Song song đó, bổ sung sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc từ thiên nhiên nhằm hỗ trợ cơ thể sản sinh testosterone nội sinh và nitric oxide, như Eurycoma Longifolia, chiết xuất thông biển Pháp và tinh chất hàu đại dương...


Giang Lê