Di chứng khác

Thêm nhiều người hoại tử xương hàm sau mắc Covid

TP HCMBệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP HCM tiếp nhận 16 bệnh nhân, Bệnh viện Tai Mũi Họng điều trị 5 người hoại tử xương hàm, kể từ đầu năm đến nay.


Ngày 13/7, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP HCM, cho biết trong 16 bệnh nhân hoại tử xương hàm trên, có ba trường hợp hoại tử lan lên đến sàn sọ, liên quan nhiều chuyên khoa nên nơi này chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật.


13 trường hợp còn lại được phẫu thuật lấy hết xương hàm trên hoại tử, sau đó dùng kháng sinh tối thiểu ba tuần. Dự kiến sau 6 tháng theo dõi, nếu tình trạng ổn định, không tái phát thì bệnh nhân sẽ được tái tạo, phục hình xương hàm trên. "Hiện, các bệnh nhân đều ổn, chưa thấy dấu hiệu tái phát", bác sĩ Tuấn nói.


Theo bác sĩ Tuấn, hoại tử xương hàm thường xảy ra ở hàm dưới vì ít mạch máu nuôi dưỡng hơn xương hàm trên. Trước đây, thỉnh thoảng vài tháng bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp hoại tử xương hàm dưới, nguyên nhân thường do bệnh nhân xạ trị ung thư vùng đầu mặt cổ hoặc do dùng thuốc điều trị chống loãng xương. Một số ít ca hoại tử xương hàm trên vào viện thường liên quan đến bệnh nhân đái tháo đường, bởi bệnh này làm ảnh hưởng mạch máu nuôi dưỡng xương, hoặc làm giảm sức đề kháng, dễ bị vi khuẩn, nấm tấn công gây hoại tử xương.


"Sau khi Covid bùng phát, từ khoảng tháng 2 đến nay, số bệnh nhân khám hoại tử xương hàm trên tăng đột biến, lại không rõ nguyên nhân, khác với trước đây chủ yếu là bệnh nhân khám hàm dưới và rõ nguyên nhân", bác sĩ nói và cho biết mức độ bệnh hiện nghiêm trọng hơn trước, vùng hoại tử lan rộng hơn. Các bệnh nhân đều từng mắc Covid, vào viện với các triệu chứng như lung lay cả răng lẫn khối xương hàm, chảy mủ, sưng đau vòm miệng, có những vết loét và lộ xương hàm trên.


Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết nơi này ghi nhận 5 trường hợp cốt tủy viêm xoang hàm trên, kể từ đầu năm. Trong đó, ba ca xuất hiện trên bệnh nhân đái tháo đường, hai trường hợp nấm xâm lấn gây cốt tủy viêm xương hàm trên. Các bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ ổ nhiễm trùng, lấy mô viêm hoại tử, dùng kháng sinh. Sau khi điều trị ổn, tất cả bệnh nhân đều đã xuất viện. Bệnh viện không ghi nhận bệnh nhân có mắc Covid-19 trước đó hay không.


Hai tháng qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 11 bệnh nhân với triệu chứng đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt và mắt, diễn tiến nặng dần nhưng điều trị, kể cả phẫu thuật vẫn không bớt. Hai người tử vong sau đó, 6 người xin về nhà, 3 người được phẫu thuật điều trị thành công. Bác sĩ ghi nhận các bệnh nhân bị cốt tủy viêm xương hàm mặt, cốt tủy viêm xương nền sọ. Bệnh viện chưa xác định được nguyên nhân gây hoại tử xương ở những bệnh nhân này, song điểm chung là họ từng mắc Covid-19, không có tiền sử mắc bệnh tai mũi họng hay răng hàm mặt.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng nhận định đây là "vấn đề mới", yêu cầu các bệnh viện khảo sát, tổng hợp ca bệnh. Thành phố sẽ họp các chuyên gia để đánh giá tình hình cho chính xác, làm rõ nguyên nhân gây bệnh, đồng thời tiếp cận tư liệu trên thế giới và có hướng xử trí tiếp theo.


Các bác sĩ cho biết đến nay vẫn chưa thể khẳng định bệnh hoại tử xương gia tăng gần đây có liên quan đến Covid-19 hay không. Từ tháng 5/2021 đến tháng 5 năm nay, y văn thế giới ghi nhận khoảng 80 bài báo cáo bệnh nhân bị hoại tử xương sọ, hàm mặt, chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, nhiều nước châu Á và một số nước châu Âu, Mỹ. Hầu hết bệnh nhân các nước có bệnh nền, đái tháo đường, đều từng mắc Covid-19 thời điểm biến chủng Delta bùng phát.


Theo bác sĩ Tuấn, y văn đưa ra 4 yếu tố nguy cơ gây hoại tử xương hàm trên. Thứ nhất, nCoV bám vào thụ thể ACE2 (có nhiều ở niêm mạc mũi, miệng) gây biến chứng mạch máu, có khả năng làm tắc mạch máu nuôi xương và việc mắc Covid-19 còn gây tăng đông máu, giảm máu nuôi dưỡng xương dẫn đến hoại tử. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc corticoid (kháng viêm) trong phác đồ điều trị Covid-19 cũng có thể làm việc nuôi dưỡng của xương kém đi. Yếu tố nguy cơ khác là bệnh nhân bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm. Cuối cùng, bệnh nhân có bệnh nền, đặc biệt bệnh tiểu đường sẽ dễ hoại tử xương do bệnh làm giảm nuôi dưỡng của mạch máu, giảm sức đề kháng ảnh hưởng chức năng bạch cầu nên dễ bội nhiễm...


Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng trước đây người đái tháo đường rất hiếm bị cốt tủy viêm xương nhưng sau khi Covid-19 xuất hiện, thế giới ghi nhận nhiều ca. Bình thường, môi trường xung quanh có nhiều loại vi sinh vật, khi cơ thể suy giảm miễn dịch như mắc bệnh đái tháo đường, sẽ dễ bị tấn công. "Cơ thể người mắc Covid bị rối loạn miễn dịch kéo dài, cộng với bệnh lý nền sẵn đó, có thể dẫn đến nấm phát triển nhiều hơn trong cơ thể, gây viêm nhiễm", bác sĩ Hùng phân tích. Trong 11 trường hợp tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có 5 bệnh nhân mắc đái tháo đường.


Các bác sĩ cho rằng bệnh phát hiện sớm, xử trí kịp thời có thể ngăn ngừa được tiến triển hoại tử xương. Nếu để hoại tử lan rộng đến sàn sọ, mức độ nguy hiểm gia tăng, dễ dẫn đến tử vong. Bệnh nhân sau khi mắc Covid nếu có các triệu chứng như nhức đầu, đau răng hàm, sưng mặt... cần đi thăm khám.

Lê Phương 

Tắc mạch máu chi sau khỏi Covid-19

Ông Tài 64 tuổi, sau khi khỏi Covid-19 thường nhức mỏi chân, nghĩ do đau xương khớp nên dùng dầu xoa bóp hàng ngày, sau đó chân sưng phù, tím tái, lở loét.


Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân bị tắc mạch máu chi dưới, bàn chân hoại tử. Các bác sĩ dùng thuốc kháng đông, phẫu thuật loại bỏ cục máu đông gây tắc mạch chi dưới, thông mạch máu bằng kỹ thuật bắc cầu, sử dụng máy tạo áp lực âm để hút máu, cắt bỏ phần cơ hoại tử.


Ảnh: Bàn chân hoại tử của bệnh nhân (độc giả cân nhắc khi xem)


Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân này ở giai đoạn nặng nhất, may mắn được cứu chữa kịp thời nên giữ lại bàn chân. Nếu chậm trễ hơn, chi dưới hoại tử nặng, bác sĩ buộc phải chọn phương án cắt cụt chân để bảo toàn tính mạng bệnh nhân. "Chúng tôi đã gặp không ít trường hợp phải đoạn chi do tắc mạch máu vì bệnh nhân không biết, đến lúc bác sĩ can thiệp thì đã muộn", bác sĩ cho biết.


Tắc mạch máu chi dưới là tình trạng thiếu máu cục bộ một phần hoặc toàn phần chi dưới, gây đau đớn, viêm loét, thậm chí hoại tử chi. Bệnh do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động từ việc hình thành các cục máu đông gây tắc mạch máu. Đặc biệt, những người nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao hình thành cục máu đông nghiêm trọng từ 3 đến 6 tháng sau khi mắc bệnh.


Bác sĩ giải thích, sau khi xâm nhập vào cơ thể, nCoV sẽ bám vào thụ thể ACE2 có nhiều ở nội mô mạch máu và xâm nhập vào tế bào. Điều này gây ra những tổn thương trong lòng mạch máu, dẫn đến cơ thể kích hoạt giải phóng cytokine, bạch cầu... để tích cực chữa lành những tổn thương. Tuy nhiên, chính hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mức với mầm bệnh đã góp phần tạo nên những cục máu đông. Không chỉ làm tổn thương não, tim, phổi, thận, cục máu đông còn có thể hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan khác như làm tắc động mạch chi dưới dẫn đến hoại tử phải cắt cụt chi nếu không can thiệp kịp thời.


Một nghiên cứu được các nhà khoa học Thụy Điển, Anh và Phần Lan công bố vào tháng 4, so sánh giữa 4 triệu người không mắc bệnh và hơn một triệu người từng mắc Covid-19, cho thấy sau ba tháng kể từ ngày dương tính nCoV, người đã nhiễm tăng 4% nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu ở đùi hoặc cẳng chân.


Một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc (BMJ) cũng ghi nhận nCoV có thể làm tăng gấp 5 lần nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.


Để chủ động theo dõi các dấu hiệu hình thành cục máu đông và phòng ngừa nguy cơ tắc mạch máu chi dưới hậu Covid-19, bác sĩ Dũng khuyến cáo người đang có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid... cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để khám, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.


Cách xác định vị trí cũng như mức độ tắc nghẽn mạch máu chi là siêu âm hoặc chụp mạch máu trên DSA, chụp cắt lớp. Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra mạch đập ở các vị trí nếp gấp mu bàn chân, khoeo chân bệnh nhân để phát hiện sớm tình trạng tắc mạch máu, xử trí sớm, phòng biến chứng nguy hiểm.

Gia Hưng 

Tại sao trẻ ho nhiều hậu Covid?

Con tôi 9 tuổi, khỏi Covid-19 một tháng nhưng vẫn còn ho rất nhiều, kiểu ngứa trong cổ và đờm trong họng, uống thuốc ho dạng siro nhưng không bớt. Mong bác sĩ tư vấn. (Như Ngọc, Long An)


Trả lời:


Bé khỏi Covid-19 được một tháng, nhưng bạn không cung cấp rõ là trong thời gian mắc bệnh bé có nhập viện và điều trị đặc biệt gì không. Bé ho khan hay ho có đờm, thời điểm nào ho nhiều nhất trong ngày? Ngoài ho, bé có triệu chứng gì khác không, như sốt, khó thở, đau ngực, khò khè, nôn ói...?


Trong giai đoạn hậu Covid-19, trẻ có thể xuất hiện nhiều triệu chứng, thường gặp là triệu chứng đường hô hấp. Ở trẻ em, tình trạng ho kéo dài được định nghĩa là ho từ 4 tuần trở lên, thậm chí vài tháng, có thể ho khan hoặc ho có đờm. Đặc biệt, nếu giai đoạn điều trị Covid trẻ có sử dụng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch... nguy cơ gặp biến chứng cao hơn.


Ho còn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như nhiễm trùng đường hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản... Phụ huynh cần theo dõi sát những biểu hiện ở trẻ như nhanh mệt khi chạy nhảy hoặc chơi, không muốn chơi, có học tập bình thường không, có đau ngực hay khó thở khi vận động không...


Tình trạng ho kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trong một số trường hợp, thuốc siro ho có thể giúp trẻ giảm ho, tuy nhiên chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh không nên tự cho trẻ dùng thuốc mà cần đưa vào viện khám nếu triệu chứng ho hậu Covid dai dẳng không thuyên giảm, sốt cao hoặc khó thở...


Trẻ cần chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, vui chơi, vận động nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng, nhanh hồi phục.


Bác sĩ Trần Thị Mai Trinh

Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19

Ba tháng trước tôi mắc Covid-19, chu kỳ kinh nguyệt đang đều đặn bị thay đổi, hơn 40 ngày mới có một lần, đau bụng và mệt mỏi hơn. Tôi có cần đi điều trị không? (Thường Hoa, 29 tuổi, Bình Dương)


Trả lời:


Ngày càng có nhiều phụ nữ báo cáo rằng Covid-19 đã ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của họ. Chu kỳ không đều và các vấn đề về kinh nguyệt có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hậu Covid và gây ảnh hưởng lâu dài đến hệ thống sinh sản của nữ giới.


Rối loạn kinh nguyệt hậu Covid có các biểu hiện, như chu kỳ kinh nguyệt không đều: kéo dài, rong kinh - cường kinh hoặc vô kinh - thiểu kinh...; bất thường về tính chất máu kinh: có cục máu đông bất thường trong dịch tiết kinh nguyệt.


Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) tồi tệ hơn: dễ bị kích thích, lo lắng, kích động, tức giận, mất ngủ, khó tập trung, lơ mơ, trầm cảm, đau đầu, chóng mặt, bức bối của các chi, ngất, đánh trống ngực, táo bón, buồn nôn, nôn... và mệt mỏi nghiêm trọng hơn.


Các nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19 có thể là mất cân bằng nồng độ của các nội tiết tố sinh dục như estrogen và progesterone. Ngoài ra, nCoV gây rối loạn đông máu, làm ảnh hưởng đến kinh nguyệt.


Những áp lực bên ngoài tác động trong và sau Covid-19 dẫn đến tâm lý lo lắng, căng thẳng; hoặc sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý nền trước đó (tăng huyết áp, đái tháo đường...) cũng góp phần ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.


Theo các nghiên cứu, kinh nguyệt có thể trở lại bình thường sau 1-2 chu kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt thay đổi kéo dài cần phải thăm khám để loại trừ các bệnh lý sản phụ khoa hay nguyên nhân khác, trước khi nghĩ đến do ảnh hưởng của nCoV.


Các bệnh lý thường gặp gây rối loạn kinh nguyệt bao gồm bệnh lý tử cung (u xơ hay polyp), rối loạn cân bằng nội tiết tố nữ, lạc nội mạc tử cung, bệnh lý gây viêm nhiễm vùng chậu, hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư tử cung hay cổ tử cung, một số bệnh lý khác như bệnh tuyến giáp, rối loạn chức năng tuyến yên...


Để cải thiện rối loạn kinh nguyệt sau khỏi Covid, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết; kết hợp rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, đặc biệt là các bài tập thư giãn (thiền, yoga...); giữ tâm lý thoải mái, suy nghĩ tích cực; hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá, và các chất kích thích khác.


Trong y học cổ truyền, ngoài các bài thuốc điều trị theo từng thể bệnh còn có thể phối hợp với các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, nhĩ châm, cấy chỉ, xoa bóp, dưỡng sinh... giúp điều hòa kinh nguyệt an toàn, hiệu quả lâu dài.


Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hương

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM - Cơ sở 3

Ù tai, giảm thính lực sau khỏi Covid

Sau khỏi Covid, nhiều người bị ù tai, nghe kém do virus kích thích tế bào gây viêm hoặc quá căng thẳng, sử dụng thuốc...


PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết nhiều người bị ù tai ở một hoặc cả hai bên, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khó chịu, suy giảm chất lượng sống. Ù tai, nghe kém cũng khiến các triệu chứng thần kinh khác trở nên trầm trọng như rối loạn lo âu, mất ngủ, mất vị giác, khứu giác...


Bác sĩ Đào cho biết, theo một số nghiên cứu, gần 8% số người mắc Covid bị mất sức nghe, gần 15% ù tai và hơn 7% bị chóng mặt, gần 4% bị cả ba dấu hiệu trên. Nguyên nhân do virus kích thích các tế bào bảo vệ của cơ thể tạo ra cơn bão cytokines (yếu tố gây viêm) gây ra các phản ứng tự miễn làm tổn thương phần nội dịch của ốc tai và các ống bán khuyên. Virus còn tác động trực tiếp vào các dây thần kinh tiền đình và dây thần kinh nghe làm gián đoạn đường dẫn truyền từ ngoại vi gây viêm.


Ù tai còn có thể do căng thẳng và trầm cảm liên quan đến cách ly xã hội hoặc sử dụng một số thuốc trong điều trị Covid, nhất là các thuốc đường tiêm, truyền.


Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần khám ở chuyên khoa Tai Mũi Họng để xác định mức độ của bệnh. Tại nhà, kết hợp các biện pháp thư giãn cơ thể như thiền, yoga, tắm nước ấm. Tập thở sâu mỗi ngày nhiều lần, mỗi lần 2-5 phút. Tập thở từng bên mũi bằng cách bịt từng bên mũi bằng ngón tay trỏ, sau đó thở ra rồi hít vào bằng lỗ mũi còn lại, lặp lại luân chuyển từng mũi và kéo dài 15 phút. Bài tập này giúp giảm nhịp tim, ù tai.


Tránh tiếp xúc tiếng ồn trong các môi trường như vũ trường, công trường đang làm việc, tiếng máy móc, xe tăng...


Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể sử dụng máy trợ thính hoặc thuốc an thần nhóm amitriptylin liều thấp, đảm bảo giấc ngủ sâu.


Hậu Covid-19, còn gọi di chứng Covid-19, là tình trạng xuất hiện các triệu chứng mới sau 3 tháng, kéo dài 6 tháng mà không được lý giải bằng chẩn đoán khác.


Hôm 22/4, Bộ Y tế thống kê hơn 203 triệu chứng khác nhau của hậu Covid, phổ biến là mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực... Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng, tái phát theo thời gian. Bộ Y tế khuyến cáo khi có dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid khiến cho sức khỏe suy giảm kéo dài, giảm khả năng làm việc hoặc sinh hoạt bình thường, người dân cần đi khám. Tuyệt đối không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không được cấp phép hoặc các bài thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng.


Thùy An

Gan yếu hơn sau khỏi Covid

Giai đoạn hậu Covid-19, lá gan vẫn bị tổn thương bởi tàn dư sự tấn công trực tiếp của nCoV lên tế bào gan, cơn bão cytokine và các loại thuốc điều trị Covid trước đó.


Theo thống kê của Trung tâm phẫu thuật gan, Bệnh viện Tây Trung Quốc thuộc Đại học Tứ Xuyên, Thành Đô, bệnh nhân Covid-19 gặp bất thường chức năng gan ở các mức độ khác nhau. Tỷ lệ tổn thương gan ở các trường hợp F0 nặng là hơn 74%, ở bệnh nhân nhẹ là 43%.


Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế lây lan của nCoV. Virus sử dụng các protein gai trên bề mặt của chúng để gắn vào các thụ thể ACE 2 trên màng tế bào của các cơ quan, từ đó virus có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Trong đó, biểu hiện của ACE 2 trong tế bào gan là 2,6% và trong tế bào mật là 59,7%. Virus gây tổn thương gan bằng cách tấn công trực tiếp lên tế bào gan.

Tổn thương gan hậu Covid có thể còn do rối loạn hệ miễn dịch (bão cytokine), thiếu máu cục bộ và giảm oxy, tình trạng huyết khối, tình trạng gan đang bị bệnh (viêm gan virus B, viêm gan virus C...), bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết.


Đặc biệt, việc sử dụng các thuốc trong quá trình điều trị Covid có thể gây ra những tác động nặng nề cho lá gan, cơ quan thải độc chính của cơ thể. Loại thuốc được dùng nhiều nhất trong quá trình điều trị triệu chứng Covid-19 là thuốc giảm đau, hạ sốt, tiêu biểu là paracetamol. Các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân chỉ nên uống không quá 3 g mỗi ngày, mỗi lần một viên 500 mg và cách nhau 4-6 tiếng. Tuy nhiên, do là thuốc không kê đơn và tình trạng cơ thể bị sốt, đau đầu kéo dài, nhiều người đã tự ý sử dụng quá nhiều paracetamol khiến cho lá gan càng bị quá tải.


"Kể cả tuân thủ đúng liều lượng nhưng sau liệu trình dùng thuốc kéo dài vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới gan, bởi mọi thứ nạp vào cơ thể đều được xử lý thải độc qua gan", bác sĩ Khanh nói. Đây cũng là lý do nhiều bệnh nhân gặp các triệu chứng chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi kéo dài, thậm chí là cảm thấy đau ở khoang bụng vị trí của lá gan sau khi khỏi Covid-19.

Theo bác sĩ Khanh, để gan sớm phục hồi và luôn khỏe thì không nên làm cho gan phải hoạt động quá sức, tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi. Cụ thể, về dinh dưỡng, nên đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất, hạn chế chất béo, đường, tăng cường rau xanh, trái cây và uống đủ nước. Về nhóm chất béo, nên ưu tiên các thực phẩm có chứa chất béo không bão hòa (trái bơ, dầu thực vật, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều...) thay vì các chất béo bão hòa (mỡ và thịt động vật, các loại bơ, sữa...)


Sau khi mắc Covid, gan và hệ tiêu hóa chưa hồi phục hoàn toàn nên hạn chế các thực phẩm chế biến theo kiểu nướng, chiên, đồ ăn cay nóng, đặc biệt là các đồ uống có chứa nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, không thức khuya, tập thể dục đều đặn cũng là cách để giúp lá gan khỏe mạnh. Đặc biệt không nên sử dụng các thuốc khi không thật sự cần thiết, không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc và thành phần để bồi bổ cơ thể hay giảm cân.


Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên kiểm tra sức khỏe gan mật định kỳ mỗi 6 tháng hoặc đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa.


Giang Lê

Mắc 23 triệu chứng hậu Covid-19 cùng lúc

MỸTừ một người khỏe mạnh, Stephanie Joyner trở nên ốm yếu khi nhiễm nCoV và gặp 23 triệu chứng cùng lúc, có biểu hiện kéo dài gần 2 năm.


Là một giáo viên trung học, Joyner nhận thức rõ về cách thức virus lây lan cũng như các phương pháp phòng tránh. Vì vậy, trước khi các trường học phải đóng cửa do đại dịch, bà thường dành 10 phút mỗi cuối tiết để giáo dục học sinh về sự nguy hiểm của Covid-19.


"Tôi cố hết sức để các em hiểu rằng những biện pháp an toàn đang thực hiện là điều đúng đắn", bà nói.


Dù rất cẩn thận, bà vẫn mắc bệnh vào đầu tháng 4/2020. Covid-19 kéo đến bằng cơn tức ngực cực độ, kéo dài vài ngày. Sau đó, các triệu chứng khác như ho khan, sốt, mất vị giác và khứu giác lần lượt xuất hiện. Vài tuần tiếp theo, bà bị đau khớp, da bầm tím (không chảy máu), mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, mất ngủ, đổ mồ hôi đêm, khát nước, sương mù não, tim đập nhanh và đau hạch bạch huyết.


"Hạch của tôi sưng tấy, có cảm giác như sắp nổ tung. Kỳ kinh nguyệt của tôi kéo dài tới hai tuần liên tục, đó là loại sản dịch sau sinh", bà nói.


Joyner và bác sĩ của bà đếm được 23 triệu chứng xảy ra cùng lúc. "Tôi đã trải qua nhiều tuần như vậy, sợ rằng mình không thể thức dậy", bà nói.


4 tháng sau khi khỏi bệnh, Joyner tiếp tục gặp các triệu chứng dai dẳng, nhưng ít phổ biến hơn. Bà đã mất gần 50% dung tích phổi khi nhiễm virus. Nhịp tim khi nghỉ ngơi vẫn cao hơn bình thường, hiếm khi xuống dưới 80.


Joyner thừa nhận virus có những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe tâm thần. Bà lo lắng, sợ hãi rằng mình có thể nhiễm bệnh lần nữa, khi cơ thể đang suy nhược.


"Tôi hiếm khi ra ngoài, rất sợ bị ốm lại. Đây không phải là tôi, tôi chưa từng cảm thấy lo lắng như vậy. Trước đó, tôi đã rất cẩn thận nhưng vẫn mắc bệnh. Có cảm giác như virus sẽ lại tìm đến tôi lần nữa", bà nói.

Đến tháng 3/2022, hai năm sau khi mắc bệnh, cuộc chiến với hậu Covid của Joyner chưa kết thúc. "Tôi thực sự tự hỏi liệu tình trạng này có đi cùng tôi đến hết cuộc đời không", bà nói.


Joyner cho biết bà tiếp tục chịu đựng nhiều vấn đề sức khỏe do Covid-19 để lại như suy yếu miễn dịch, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Triệu chứng này cũng được ghi nhận ở nhiều người từng nhiễm virus.


Nhiều vấn đề kéo dài từ khi mắc bệnh đến nay, như bệnh về dây thần kinh ở tay, giấc ngủ gián đoạn, nhiệt độ cơ thể không ổn định và nhạy cảm với ánh sáng. Đường tiêu hóa của bà cũng có nhiều thay đổi. Joyner không còn ăn được sữa chua, đường tinh luyện hoặc gluten nữa. Thể lực của bà cũng yếu hơn nhiều, phải sử dụng ống hít trước khi chạy bộ.


"Tôi thương tiếc bản thân mình trước Covid-19. Tôi phải chấp nhận sự thật rằng mình không bao giờ khỏe được như vậy nữa. Nhưng điều này không có nghĩa tôi sẽ ngừng cố gắng. Tôi phải tiếp tục nỗ lực hết mình", bà nói.


Joyner cho biết bà "linh cảm" rất nhiều triệu chứng Covid-19 sẽ kéo dài đến suốt phần đời còn lại. Nhưng bà vẫn lạc quan vì đã đạt được nhiều mục đích khác trong cuộc sống, như coi trọng sức khỏe của mình hơn.


Những vấn đề sức khỏe xảy ra sau Covid-19 đến nay vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là hiện tượng khoa học chưa thể lý giải. Thông thường, người bệnh khỏi Covid-19 sau hai đến 6 tuần. Một số người, virus gây triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng sau khi đã âm tính. Người không nhập viện hoặc bị bệnh nhẹ cũng có thể gặp triệu chứng dai dẳng, một số phát triển biến chứng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.


WHO ghi nhận hơn 200 triệu chứng sau Covid đã được báo cáo. Trong đó, ba triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức. Các vấn đề này ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, có thể khởi phát sau khi hồi phục hoặc kéo dài từ đợt nhiễm bệnh cấp tính, thay đổi và tái phát theo thời gian.


Thục Linh (Theo Huff Post)