Di chứng tim mạch

Bé trai 4 tuổi đột quỵ hậu Covid

Bé trai 4 tuổi sốt, ói, tiêu chảy điều trị một tuần không bớt, sau đó nhức đầu, co giật rồi mê man.

Ngày 14/8, bác sĩ Nguyễn Đào Nhật Huy, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, cho biết bệnh nhi bị đột quỵ do huyết khối tĩnh mạch não rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao vì cơ thể bé nhỏ, khả năng điều trị thuốc chống đông gặp nhiều khó khăn.

Các bác sĩ nỗ lực "còn nước còn tát", can thiệp lấy huyết khối thành công, cứu sống bé ngoạn mục. Sau 5 ngày, bé phục hồi tốt, gần như không để lại di chứng về nói hay yếu liệt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Mẹ bệnh nhi cho biết bé vốn khỏe mạnh, ít bệnh, khoảng 6 tháng trước bị Covid nhưng chỉ sốt nhẹ khoảng ba ngày. "May mắn, đợt này bé được các bác sĩ cứu kịp thời, vợ chồng tôi chỉ có đứa con này thôi", người mẹ chia sẻ.

Một tháng nay, bệnh viện tiếp nhận 5 trường hợp đột quỵ do huyết khối tĩnh mạch não, trong đó một trường hợp quá nặng không qua khỏi, đặc biệt trường hợp bé 4 tuổi này là điều các bác sĩ rất hiếm khi ghi nhận. Huyết khối tĩnh mạch não gây đột quỵ là nguyên nhân ít gặp, bởi hầu hết cơn đột quỵ xảy ra khi động mạch trong não đột ngột bị tắc nghẽn hoặc vỡ ra.

Theo bác sĩ Huy, huyết khối tĩnh mạch nội sọ đa số xảy ra ở nữ giới do liên quan đến thời kỳ mang thai, hậu sản, sử dụng thuốc ngừa thai, viêm nhiễm hệ thần kinh, hay nhiễm trùng nặng vùng đầu mặt cổ... Phương pháp điều trị thông thường nhất là dùng thuốc kháng đông, thở máy, chống động kinh... Trường hợp nặng, bệnh nhân xuất huyết nhiều, tắc tĩnh mạch lớn nguy cơ tử vong cao, nếu không có phương pháp can thiệp lấy huyết khối và phẫu thuật, đa số sẽ tử vong.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, giám đốc chuyên môn của bệnh viện, cho biết trước đây trung bình mỗi năm chỉ gặp 1-2 trường hợp huyết khối tĩnh mạch não nặng. Gần đây, sau đại dịch Covid, theo y văn thế giới cũng như ghi nhận tại Việt Nam, bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch nội sọ gia tăng đáng kể, ở mọi độ tuổi và giới tính.

"Y văn kết luận bệnh nhân sau nhiễm Covid có sự kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch, tăng phản ứng viêm, gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong cơ thể", bác sĩ Cường chia sẻ. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng huyết khối tĩnh mạch nội sọ cũng như các mạch máu khác trong cơ thể như phổi, tim...

Để chẩn đoán xác định căn bệnh này, cần dựa vào hình ảnh học như chụp CT có bơm cản quang, MRI tĩnh mạch sọ não. Khi cần thiết, bác sĩ có thể chụp DSA tĩnh mạch não để chẩn đoán cũng như can thiệp tái thông trong trường hợp thất bại điều trị thuốc.

Lê Phương

Huyết áp xáo trộn hậu Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19, tôi bị hạ đường huyết và tụt huyết áp. Mẹ tôi 60 tuổi, bị cao huyết áp đã điều trị ổn định, tăng huyết áp trở lại dù uống thuốc đều.

Tình trạng này có nguy hiểm không và làm gì để khắc phục? (Mỹ Anh, 24 tuổi, Đồng Nai)

Trả lời:

Nhiễm nCoV làm tăng viêm trong cơ thể, tăng hoạt thần kinh giao cảm, do đó dẫn đến tăng huyết áp. Thống kê cho thấy ở những người đã khỏi Covid-19, mức tăng trung bình 1,1-2,5 mmHg đối với huyết áp tâm thu và 0,14-0,53 mmHg đối với huyết áp tâm trương. Tỷ lệ tăng huyết áp ở cả nam và nữ hậu Covid-19 là như nhau.

Ngoài ra ở thời kỳ hậu Covid-19, một số bệnh nhân còn bị ảnh hưởng trên tim mạch, trên thận, như chức năng thận, tim kém đi, hoặc mắc một số bệnh lý như rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim... Tất cả những yếu tố đó đều làm cho huyết áp không ổn định. Nhiều trường hợp người bệnh Covid-19 bị rối loạn lo âu, trầm cảm sau khi khỏi bệnh, đây cũng là nguyên nhân khiến chỉ số huyết áp xáo trộn.

Mẹ bạn có tiền sử tăng huyết áp, đã điều trị ổn định nhưng sau khi mắc Covid-19 thì không ổn định nữa, bạn nên đưa bà đến bệnh viện khám sớm. Bác sĩ điều chỉnh lại thuốc huyết áp và tìm nguyên nhân tại sao huyết áp không ổn định, có phải do một trong các nguyên nhân kể trên không. Sau khi thăm khám tìm được nguyên nhân, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.

Đối với trường hợp tụt huyết áp hậu Covid-19 như bạn, khả năng cao là do nguyên nhân khác chứ không phải nCoV. Tụy tạng là nơi sản xuất ra những hormone ảnh hưởng đến đường máu. Khi nCoV tấn công tụy, nó sẽ tiết ra insulin để chống lại, nhưng khả năng tụy tiết quá nhiều insulin làm hạ đường huyết thì chưa được công bố. Lý do khiến bạn tụt huyết áp có thể là do hậu Covid-19 bạn vẫn còn mệt mỏi, ăn ít nên bị hạ đường huyết theo.

Để khắc phục, bạn nên ăn nhiều bữa và luôn mang theo kẹo bên người để ngậm khi bị hạ đường huyết, hoặc có thể uống nước chanh đường trong vài tuần cho huyết áp ổn định.

Trường hợp huyết áp vẫn không ổn định, có thể do nguyên nhân khác không phải hội chứng hậu Covid-19, bạn và mẹ nên đến bệnh viện để được kiểm tra và có hướng xử trí phù hợp. Một số trường hợp sau khi khỏi Covid-19, người bệnh bị bướu insulinoma (u tụy nội tiết). Khi đó, bác sĩ cần thêm kết quả chụp CT, đo đường huyết lúc đói để chẩn đoán. Nếu phát hiện bướu thì phải mổ sớm để phòng biến chứng về sau.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh

Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Hội chứng 'trái tim tan vỡ' hậu Covid-19

Căng thẳng, sợ hãi khi dương tính, phải cách ly điều trị vì Covid-19 khiến người bệnh có thể mắc hội chứng "trái tim tan vỡ" với cơn đau thắt ngực, khó thở, mất ý thức...

Bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, hai tuần trước một phụ nữ 65 tuổi được đưa đến cấp cứu với biểu hiện đau ngực, khó thở, đau họng, ho có đờm... Bà xét nghiệm dương tính với Covid-19 trước khi nhập viện 6 ngày.

Các bác sĩ khám, kiểm tra cận lâm sàng, loại trừ khả năng bệnh mạch vành, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Takotsubo (thường được gọi là hội chứng "trái tim tan vỡ" hay bệnh cơ tim do căng thẳng) - một hội chứng hậu Covid-19. Sau hai tuần điều trị, triệu chứng của bệnh và chức năng tim hồi phục dần, tuy nhiên người bệnh cần được theo dõi tim mạch lâu dài.

Theo bác sĩ Kiều, hội chứng Takotsubo được các bác sĩ Nhật Bản phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990. Bất thường phổ biến nhất của bệnh lý cơ tim này là phần mỏm của tâm thất trái bị phồng lên như hình quả bóng. Trong quá trình co lại (tâm thu), tâm thất phình ra này có hình dáng như một cái bẫy được ngư dân Nhật Bản sử dụng để bắt bạch tuộc. Do đó, bệnh được đặt tên là Takotsubo - cái bẫy bạch tuộc trong tiếng Nhật.

Hội chứng Takotsubo thường gặp ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên, ảnh hưởng nhiều nhất trong khoảng 61-76 tuổi. Bệnh xảy ra do sự gia tăng đột ngột của adrenalin (một loại hormone được giải phóng khỏi tuyến thượng thận) và các phân tử căng thẳng khác trong cơ thể. Đây là kết quả của chứng căng thẳng nghiêm trọng về tình cảm hoặc thể chất, chẳng hạn như phát hiện bệnh đột ngột, mất người thân, tai nạn nghiêm trọng, kinh doanh thua lỗ, biến cố ly hôn... Điều này lý giải tại sao những người mắc Covid-19 có nguy cơ gặp phải hội chứng này. Tâm lý lo lắng, căng thẳng khi nhận kết quả dương tính, cộng với việc phải cách ly để điều trị Covid-19 khiến người bệnh luôn trong trạng thái bi quan, sợ hãi thậm chí trầm cảm, nên rất dễ bị hội chứng "trái tim tan vỡ", bác sĩ Kiều giải thích.

"Gần như không thể phân biệt được các triệu chứng của Takotsubo với cơn nhồi máu cơ tim cấp vì các dấu hiệu rất giống nhau, gồm đau thắt ngực, khó thở, đột ngột mất ý thức hoặc ngất xỉu...", bác sĩ Kiều nói. Tuy nhiên, bệnh Takotsubo được kích hoạt bởi các sự kiện gây căng thẳng chứ không phải do tắc nghẽn trong lòng mạch vành. Hội chứng Takotsubo có thể gây tử vong nhưng trường hợp này khá hiếm gặp, hầu hết bệnh nhân hồi phục trong vài ngày hoặc vài tuần.

Phương pháp đo điện tâm đồ (ECG) khó phân biệt được nhồi máu cơ tim hay hội chứng Takotsubo, nên để có được chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ cần làm nhiều kiểm tra. Trong đó, bệnh nhân có thể được chụp ảnh mạch xem có tắc nghẽn trong lòng động mạch vành do nhồi máu cơ tim hay không. Bác sĩ kiểm tra xem có sự gia tăng các dấu ấn sinh học tim - những chất được giải phóng vào máu khi tim bị tổn thương, là nhanh chóng nhưng ít (do nhồi máu cơ tim) hay chúng tăng chậm nhưng đạt đỉnh cao hơn. Bệnh nhân có thể được siêu âm tim hoặc các cận lâm sàng khác cho thấy những chuyển động bất thường thành của tâm thất trái hay không...

"Không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào cho hội chứng Takotsubo. Bác sĩ lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và việc người bệnh có bị huyết áp thấp hoặc có dấu hiệu của sung huyết phổi hay không", bác sĩ Kiều cho hay. Các bác sĩ thường kê toa các loại thuốc điều trị suy tim tiêu chuẩn như thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển và thuốc lợi tiểu. Đối với những bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, bác sĩ có thể cho dùng aspirin và statin.

Trong một số trường hợp, thuốc chẹn beta (hoặc thuốc chẹn alpha và beta kết hợp) được bác sĩ chỉ định dùng lâu dài để giúp ngăn ngừa bệnh tái phát. Các loại thuốc này hoạt động bằng cách giảm tác dụng của adrenaline và các hormone căng thẳng khác - nguyên nhân gây ra hội chứng Takotsubo.

Hầu hết bệnh nhân Takotsubo hồi phục hoàn toàn trong vòng 1-2 tháng. Hiếm gặp trường hợp tử vong do bệnh lý này, nhưng bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng như suy tim (khoảng 20%), hình thành cục máu đông, loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường), tắc nghẽn dòng máu từ tâm thất trái và vỡ thành tâm thất.

Để phòng ngừa hội chứng Takotsubo, bác sĩ Kiều khuyên bệnh nhân Covid-19 cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, lạc quan trong suốt thời gian điều trị. Đồng thời, học cách kiểm soát căng thẳng, ví dụ như tập thể dục thường xuyên, thiền để làm dịu tâm trí; xem phim, đọc sách, kết với với người xung quanh để không cảm thấy đơn độc, lấy lại niềm vui và sự lạc quan đối phó với bệnh dịch.

Thu Hà

Nguy cơ đột quỵ liên quan Covid

Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ trong thời gian đang mắc Covid từ 0,9 đến 2,7%, cao gấp 7 lần so với nhiễm virus khác như influenza (cúm), song hậu Covid chỉ nên khám tầm soát khi có yếu tố nguy cơ.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), cho biết như trên, hôm 26/3. Nghiên cứu này được công bố tại hội nghị đột quỵ Mỹ năm 2022 mới đây. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ mắc đột quỵ cao nhất, tăng gấp 10 lần trong ba ngày đầu tiên sau khi được chẩn đoán Covid-19. Nguy cơ giảm dần theo các khoảng thời gian 4-7 ngày, 8-14 ngày và 15-28 ngày. Sau một năm, dù thấp hơn rõ rệt, bệnh nhân có tiền sử mắc Covid trước đó vẫn có nguy cơ bị đột quỵ.

Tại sao Covid có thể gây đột quỵ?

Theo phó giáo sư Thắng, Covid có thể gây đột quỵ thiếu máu não qua ba cơ chế chính. Thứ nhất là tăng phản ứng viêm, dẫn đến viêm các mạch máu. Thứ hai, Covid gây ra tình trạng tăng đông, dẫn đến sự hình thành huyết khối trong hệ động mạch, hệ tĩnh mạch và các cơ quan. Thứ ba là cơ chế thuyên tắc huyết khối ngược dòng, đặc biệt trên bệnh nhân còn tồn tại lỗ thông bầu dục trong tim (PFO). Một số ít tài liệu cho thấy nhiễm nCoV có thể gây co mạch, tăng huyết áp dẫn đến xuất huyết não.

Đột quỵ liên quan Covid như thế nào

Một phân tích gộp cho thấy bệnh nhân đột quỵ liên quan Covid có các khiếm khuyết chức năng thần kinh nặng hơn. Tuy vậy, chưa loại trừ khả năng những triệu chứng khi đang mắc Covid làm tình trạng chung nặng thêm. Tuổi trung bình mắc đột quỵ trên bệnh nhân Covid là 63, một số trường hợp đột quỵ ở bệnh nhân trẻ. Tỷ lệ tắc động mạch lớn được ghi nhận cao hơn, đặc biệt là tỷ lệ nhóm thuyên tắc huyết khối không xác định rõ nguồn gốc. Các kết quả xét nghiệm cũng cho thấy tình trạng tăng đông máu.

Điều trị đột quỵ giai đoạn cấp liên quan Covid

Các chuyên gia đột quỵ khuyến cáo không thay đổi phương pháp điều trị hiện hành đối với bệnh nhân đột quỵ đã hoặc đang mắc Covid. Điều này có nghĩa là bác sĩ không nên bỏ qua các điều trị chuẩn như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học nếu bệnh nhân đủ điều kiện.

Dự phòng đột quỵ hậu Covid

Những bệnh nhân sau mắc Covid được xem là nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ khi đang đồng thời có nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc, béo phì... Đến nay, phòng ngừa đột quỵ tiên phát trên bệnh nhân hậu nhiễm Covid chỉ là kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ. Các bác sĩ chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả của thuốc kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu trong phòng ngừa đột quỵ tiên phát.

Bệnh nhân đã bị đột quỵ đồng thời hậu nhiễm Covid, các bác sĩ khuyên duy trì sử dụng thuốc kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu, tùy thuộc vào cơ chế đột quỵ trước đó, không nên chuyển sang thuốc kháng đông chỉ vì hậu nhiễm Covid.

Có nên tầm soát đột quỵ hậu Covid

Bệnh nhân mắc Covid nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ đột quỵ kèm theo, nguy cơ đột quỵ sẽ rất thấp. Do vậy không cần thiết phải tầm soát đột quỵ một cách thường quy.

Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ khác kèm theo (tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, béo phì...), việc tầm soát đột quỵ tập trung kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ này. Không nên lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nếu như bệnh nhân không có triệu chứng đột quỵ.


Lê Phương

Hội chứng viêm đa hệ thống trẻ em hậu Covid-19

2-6 tuần sau khi mắc Covid-19, trẻ sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban... có thể là dấu hiệu hội chứng viêm đa hệ thống - di chứng gặp ở khoảng 0,03% trẻ nhiễm nCoV.

Hội chứng viêm đa hệ thống trẻ em liên quan Covid-19 là gì?

Hội chứng viêm đa hệ thống trẻ em liên quan Covid-19, viết tắt là MIS-C (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children). Bệnh gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác khiến tiến triển nặng nhanh, cần nhập viện.

Biểu hiện MIS-C khá giống với một số tình trạng bệnh lý khác như sốc nhiễm độc hay bệnh Kawasaki. Đa phần bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau điều trị, tỷ lệ tử vong thấp.

Bệnh có thường gặp?

Tỷ lệ mắc khá thấp. Ở Mỹ, khoảng 3.000-4.000 trẻ nhiễm nCoV thì có một trẻ bị MIS-C. Tại Việt Nam cũng như nước các nước châu Á, hiện chưa có số liệu chính xác về tỷ lệ trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống. Ghi nhận ban đầu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, đến nay khoảng hơn 90 trẻ được ghi nhận mắc hội chứng này, một số trường hợp rất nặng.

Bộ Y tế vào tháng 2 đã đưa MIS-C vào phác đồ điều trị hậu Covid, do tính chất nguy hiểm của nó với trẻ em.

Người nào dễ mắc MIS-C?

Hội chứng này được ghi nhận xảy ra chủ yếu với trẻ em, một số trẻ sơ sinh (MIS-N) và ở người trưởng thành (MIS-A). Tuổi trung bình ở trẻ mắc MIS-C là 8-9, hơn 50% các em ở lứa tuổi trên 5.

Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu để biết rằng liệu một trẻ đang mắc Covid-19 có bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy trẻ chưa được tiêm vaccine Covid-19 thì nguy cơ MIS-C sẽ cao hơn so với trẻ đã được tiêm vaccine.

MIS-C nguy hiểm không?

Điều này tùy mức độ bệnh. MIS-C có nhiều mức độ; nhẹ thì có thể chỉ sốt, rối loạn tiêu hóa, phát ban trên da; mức độ nặng là sốc, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn tới suy đa cơ quan, song hầu hết bệnh nhân hồi phục nhanh khi được điều trị thích hợp. Một số ít, khoảng 1-1,5%, có thể tiến triển nặng và tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh

Đến nay, nguyên nhân chính xác gây MIS-C chưa rõ. Các bác sĩ giả thuyết có thể đây là hậu quả tình trạng đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với nCoV. MIS-C chỉ xảy ra ở một số ít trẻ mắc Covid-19. Do đó, các chuyên gia cũng đưa ra giả thuyết nữa là yếu tố gene có liên quan tới MIS-C.

Dấu hiệu

Phụ huynh cần nghĩ tới nguy cơ con mình bị MIS-C khi trẻ có các biểu hiện: Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, kèm theo rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ. Dấu hiệu bệnh nặng như thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.

MIS-C xảy ra sau mắc Covid 19, song đa phần trong giai đoạn cấp tính trẻ không có triệu chứng hoặc nhẹ. Trong tình hình số ca nhiễm tăng cao như hiện nay, người nhà cần nghĩ tới MIS-C khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ như trên, kể cả khi chưa rõ bé đã mắc Covid-19 trước đó hay không.

Khám, xét nghiệm thế nào

Khi bé nhập viện, bác sĩ khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán cũng như phân biệt với các bệnh khác như Kawasaki, sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc...

Tùy mức độ bệnh cũng như các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ chỉ định loại xét nghiệm phù hợp. Ví dụ, xét nghiệm máu đánh giá tình trạng đông máu, phản ứng viêm của cơ thể; tình trạng nhiễm trùng, chức năng gan, thận. Bệnh nhân có thể được cấy máu để loại trừ nhiễm trùng huyết; siêu âm tim đánh giá suy tim, giãn động mạch vành. Xét nghiệm PCR để ghi nhận kháng thể nCoV trong cơ thể bệnh nhân, khẳng định từng mắc Covid-19 chưa.

MIS-C được chẩn đoán dựa vào tập hợp các triệu chứng lâm sàng (sốt cao, dấu hiệu tổn thương các cơ quan như tim, hệ tiêu hóa..) và kết quả xét nghiệm tình trạng tăng phản ứng viêm của cơ thể. Trẻ cũng cần có bằng chứng mắc Covid-19. Tới nay, chưa có một triệu chứng hay một xét nghiệm đơn độc nào đủ để chẩn đoán xác định MIS-C.

Điều trị

Khi xác định MIS-C, bác sĩ đánh giá mức độ bệnh của bệnh nhân, hội chẩn chuyên khoa hồi sức, truyền nhiễm, miễn dịch để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân trong tình trạng nặng, nguy kịch, được điều trị hồi sức, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc chống viêm, thuốc điều hòa miễn dịch như corticoids, immunoglobuline đường tĩnh mạch để làm giảm quá trình viêm ở mạch máu, tim... tùy bệnh lý. Trẻ cũng có thể được điều trị với thuốc Aspirin liều thấp hoặc thuốc chống đông để giảm nguy cơ đông máu và tắc mạch.

Theo dõi sau xuất viện

Tùy tình trạng của bé tại thời điểm ra viện, các bác sĩ kê đơn thuốc tiếp tục điều trị tại nhà, hẹn khám lại. Tần suất tái khám tùy từng trường hợp cụ thể. Mỗi lần tái khám, bé cần được khám tổng quát, làm lại các xét nghiệm nếu cần, siêu âm tim để kiểm tra chức năng tim và mạch vành.

Cách phòng tránh

Cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc Covid 19. Cha mẹ cần tuân thủ nguyên tắc phòng dịch như 5K, cho trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch. Trẻ đang mắc hoặc sau mắc Covid-19, nếu xuất hiện các biểu hiện sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa nên nghĩ tới hội chứng viêm đa hệ thống và cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.


Bác sĩ Phan Hữu Phúc - Bác sĩ Lê Nhật Cường

Bệnh viện Nhi Trung ương

Cục máu đông - thủ phạm gây đột quỵ hậu Covid-19

Di chứng cục máu đông là căn nguyên của đột quỵ, nhồi máu cơ tim và thuyên tắc phổi dù người bệnh đã điều trị khỏi Covid-19.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều (Trưởng khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM), một nghiên cứu trên gần 48.000 bệnh nhân từ 17 đến 87 tuổi, được đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (National Library of Medicine) tháng 8/2021 cho thấy có 55 triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi khỏi Covid-19.

Trong đó, 25% bệnh nhân xuất hiện tổn thương tim kéo dài, 20-60% bệnh nhân gặp bất thường về tim ở thời điểm hai tháng sau khi nhiễm Covid-19. Thậm chí, một số người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi khỏi Covid-19 do di chứng cục máu đông, dù trước đó họ không bị bệnh tim mạn tính hay có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như đái tháo đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp...

Mới đây, tại Mỹ, các bác sĩ buộc phải cắt cụt chân phải của một ngôi sao sân khấu Broadway vì chứng đông máu nghiêm trọng hậu Covid-19. Nếu không kịp thời đoạn chi, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với một loạt biến chứng nguy hiểm do cục máu đông, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim và đột quỵ, bác sĩ Kiều cho biết thêm.

"Hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức là nguyên nhân góp phần làm tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở một số bệnh nhân thời kỳ hậu Covid-19", bác sĩ Kiều nói.

Ông dẫn chứng nghiên cứu được công bố trên eLife cho thấy, một số lượng lớn bệnh nhân hậu Covid-19 gặp phải di chứng hình thành cục máu đông. Khi tiến hành xét nghiệm máu của những người đã khỏi bệnh trong vòng một tháng, các chuyên gia phát hiện họ có số lượng tế bào mạch máu bị tổn thương (được gọi là tế bào nội mô tuần hoàn) trôi nổi trong máu nhiều gấp đôi người khỏe mạnh. Nhiều tế bào mạch máu bị hư hại cũng được tìm thấy ở những F0 khỏi bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

Hậu quả, khi cục máu đông gây tắc nghẽn các mạch máu trong não sẽ gây đột quỵ. Trường hợp cục máu đông chỉ tạm thời làm giảm lưu lượng máu đến não và ngăn chặn nguồn cung cấp máu đến một phần của não, bệnh nhân sẽ gặp phải cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (đột quỵ nhẹ). Nếu cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu đến mô tim sẽ gây nên các cơn đau thắt ngực - nguyên nhân tiềm ẩn của nhồi máu cơ tim. Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi, chặn dòng chảy của máu sẽ gây ra tình trạng thuyên tắc phổi dẫn đến tổn thương mô phổi.

Ngoài các biến chứng trên, cục máu đông còn có thể hạn chế lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể, gây tổn thương tứ chi, thận, các cơ quan đường tiêu hóa...

Do đó, nếu xác định trong cơ thể có cục máu đông sau khi khỏi Covid-19, người bệnh thường được điều trị bằng thuốc làm loãng máu, giảm đông máu trong cơ thể, bác sĩ Kiều cho biết. Loại thuốc này giúp ngăn ngừa cục máu đông hiện có phát triển lớn hơn, đồng thời ngăn không cho cục máu đông mới hình thành.

Theo bác sĩ Kiều, mặc dù nguy cơ hình thành cục máu đông hậu Covid-19 ở các bệnh nhân có bệnh nền tim mạch cao hơn, nhưng những người khỏe mạnh cũng có khả năng gặp phải nguy cơ này. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe sau khi khỏi Covid-19 đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và thuyên tắc phổi - những biến chứng do cục máu đông gây ra.

Để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông cũng như các triệu chứng tim mạch khác, bác sĩ khuyến cáo F0 khỏi bệnh cần tuân thủ lối sống lành mạnh. Bao gồm: tuân thủ 5K; giảm cân để chỉ số BMI về trong khoảng 18,5 - 23 nếu thừa cân, béo phì; bỏ hút thuốc lá vì khói thuốc có thể làm hỏng lớp niêm mạc của mạch máu. Khi phải sử dụng các loại thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone hay một số loại thuốc điều trị ung thư, người dùng cần có chỉ định của bác sĩ vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Ngoài ra, mỗi người cần duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu đặc thù công việc khiến bạn phải ngồi trong thời gian dài, hãy cố gắng đứng dậy và đi lại trong phòng sau mỗi 1-2 giờ làm việc. Các bài tập tại chỗ vào giờ giải lao cũng rất có ích trong việc tăng cường lưu thông máu.

Đặc biệt, khi có cơn đau thắt ngực, khó thở, hụt hơi... hay bất kỳ triệu chứng bất thường nào xuất hiện thời kỳ hậu Covid-19, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp phù hợp, ngăn ngừa đột quỵ cũng như những biến chứng hậu Covid-19 nguy hiểm khác.

Thu Hà 

5 biến chứng tim mạch hậu Covid

nCoV tấn công vào cơ thể có thể gây tổn thương cơ tim cấp tính và mạn tính, dẫn đến nhiều đi chứng tim mạch sau khỏi Covid-19.


Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Tuyết Lan (chuyên khoa Nội Tim mạch, Viện Tim TP HCM) cho biết các tổn thương tim mạch hậu Covid-19 thường gặp gồm: viêm cơ tim, xơ hóa mô kẽ cơ tim, suy chức năng tế bào nội mạc và viêm mạch máu, thuyên tắc huyết khối, rối loạn nhịp tim.


Số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022 cho thấy có 140 bệnh nhân gặp vấn đề về tim mạch hậu Covid trong tổng số 1.021 bệnh nhân đến khám, chiếm tỷ lệ 13,7%.


Viêm cơ tim


nCoV lây nhiễm vào tế bào vật chủ thông qua thụ thể men chuyển 2 (ACE2), dẫn đến viêm phổi do Covid-19; đồng thời gây tổn thương cơ tim cấp tính như viêm cơ tim, tổn thương mạn tính cho hệ tim mạch như xơ hóa mô kẽ cơ tim, viêm mạch máu, thuyên tắc huyết khối và rối loạn nhịp tim.


"Tổn thương cơ tim trực tiếp do nCoV và gián tiếp do cơn bão cytokine gây viêm, hoại tử các tế bào cơ tim, dẫn đến viêm cơ tim và hậu quả là suy tim", bác sĩ Tuyết Lan chia sẻ.


Triệu chứng viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng như mệt, khó thở tùy mức độ suy tim, tim đập nhanh, đau ngực. Hình ảnh siêu âm tim cho thấy tim giãn lớn, các thành tim giảm động, phân suất tống máu thất trái giảm và tăng áp động mạch phổi. Xét nghiệm máu biểu hiện tăng men tim, tăng dấu ấn sinh học suy tim.


Xơ hóa mô kẽ cơ tim


Bác sĩ Lan cho biết xơ hóa cơ tim từng vùng hoặc lan tỏa ở tim bệnh nhân Covid-19 có thể gặp ở cả F0 không có triệu chứng tim mạch. Điển hình là bệnh nhân nữ 45 tuổi bị xơ hóa mô kẽ lan tỏa với biểu hiện hồi hộp và đau ngực ba tháng sau khi mắc Covid-19 mặc dù không có tiền sử viêm cơ tim. Các dấu hiệu xơ hóa lan tỏa tương tự cũng được ghi nhận ở bệnh nhân nam 49 tuổi có biểu hiện khó thở 6 tuần sau khởi phát triệu chứng. Xơ hóa mô kẽ cơ tim góp phần làm rối loạn chức năng thất trái dẫn đến suy tim.


Rối loạn nhịp tim


Khi tình trạng suy tim tiến triển nặng có thể gây các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất, rung thất, có thể ngừng tim. Thêm vào đó, tác dụng phụ của thuốc chống virus, thuốc kháng sinh, tình trạng giảm oxy máu, rối loạn điện giải càng làm nặng thêm các rối loạn nhịp tim sẵn có. Các rối loạn nhịp tim thường gặp là rung nhĩ, cơn nhịp nhanh thất không kéo dài, ngừng tim và nhịp tim chậm. Đặc biệt, các rối loạn nhịp nhĩ thường gặp hơn ở bệnh nhân nặng có điều trị tại các phòng ICU (hồi sức tích cực).


Thuyên tắc huyết khối


Quá trình tổn thương tế bào nội mạc mạch máu và viêm mạch máu do nCoV làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch máu và gây thuyên tắc mạch máu do huyết khối. Sự hiện diện huyết khối làm tăng độ nặng và tỷ lệ tử vong của bệnh. Các biến cố huyết khối cũng thường được quan sát thấy ở bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, nhập ICU thở máy, bất động kéo dài và ứ trệ tĩnh mạch.


Theo bác sĩ Lan, thuyên tắc huyết khối ở các vị trí nguy hiểm đều có thể dẫn đến đột tử như thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp. Các triệu chứng báo hiệu là hồi hộp đánh trống ngực, mệt khi gắng sức, khó thở, đau ngực, men tim tăng... Tùy theo nghi ngờ chẩn đoán là thuyên tắc phổi hay nhồi máu cơ tim cấp mà bệnh nhân được chỉ định MSCT (chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt) động mạch phổi cản quang hay chụp động mạch vành. Từ đó bác sĩ có phương án điều trị chống đông máu thích hợp và kịp thời theo nguyên nhân gây bệnh, giúp giảm tỷ lệ tử vong.


Suy chức năng tế bào nội mạc và viêm mạch máu


Nhiễm trực tiếp virus vào tế bào nội mạc thông qua thụ thể ACE2 dẫn đến suy chức năng tế bào nội mạc và phá vỡ tính toàn vẹn của mạch máu, gây rò rỉ mạch máu. Ngoài ra, theo bác sĩ Lan, quá trình viêm và tăng đông máu cũng là các biến chứng của rối loạn chức năng tế bào nội mạc ở bệnh nhân Covid-19.


F0 có rối loạn chức năng tế bào nội mạc biểu hiện qua việc giảm 6% sự dãn mạch qua trung gian dòng chảy. Nếu giảm 1% sự dãn mạch qua trung gian dòng chảy thì nguy cơ biến cố tim mạch cao hơn 13%.


Theo bác sĩ Lan, bệnh nhân hậu Covid-19 luôn phải chú ý lắng nghe cơ thể, nếu cảm thấy mệt, khó thở, hồi hộp, tim nhanh, chóng mặt, ngất... thì lập tức thăm khám để được chỉ định kịp thời các xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim, siêu âm tĩnh mạch chi dưới tìm huyết khối tĩnh mạch sâu... nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.


Khi phát hiện có tình trạng đông máu, tùy theo mức độ D-dimer tăng và sự hiện diện huyết khối tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ sẽ cho uống thuốc chống đông máu theo liều lượng và thời gian thích hợp. Nếu có biểu hiện suy tim thì bệnh nhân được điều trị các thuốc cải thiện suy tim, giảm khó thở, sưng chân và theo dõi sự cải thiện của viêm cơ tim với điều trị nội khoa. Các thuốc chống loạn nhịp tim thích hợp với từng loại rối loạn nhịp tim cũng sẽ được cân nhắc kỹ càng.


Lê Cầm