Di chứng viêm da

Di chứng phát ban Covid

Nổi ban trên da là một triệu chứng Covid-19, có thể kéo dài sau khỏi bệnh; ở trẻ nhỏ có thể là dấu hiệu của biến chứng nghiêm trọng.


Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn (Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia), người sáng lập nhóm tư vấn hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, cho biết một số bệnh nhân Covid-19 bị di chứng nổi ban, biểu hiện phù, ngứa, mất màu da... Ở da trắng, ban trông đỏ, hồng hoặc sắc tím. Ở da đen, ban có thể có màu tím, xám tro hoặc nâu đen.


Theo bác sĩ, một số trường hợp xuất hiện ban lúc khởi phát bệnh Covid, trong khi một số khác phát ban nhiều ngày kể cả sau khi âm tính nCoV. Một nghiên cứu phân tích trên 2.261 bệnh nhân Covid-19 cho thấy triệu chứng nổi ban chiếm khoảng 1%. Tuy nhiên, theo một báo cáo tổng quan năm 2021, tần suất thực sự của phát ban da trong Covid-19 vẫn chưa rõ ràng.


Ban do Covid-19 có thể kéo dài 2-12 ngày, trung bình khoảng 8 ngày. Ban ảnh hưởng các ngón chân có thể kéo dài 10-14 ngày. Hình dạng chính xác của ban Covid-19 có thể thay đổi, tùy cá nhân. Trong khi một số bệnh nhiễm trùng như thủy đậu hay bệnh đậu mùa, có thể gây những ban virus rất đặc trưng, ban Covid-19 có thể xuất hiện dưới những hình dạng khác nhau.


Thứ nhất là mày đay, ban Covid-19 có thể xuất hiện như những mảng gây ngứa và mày đay, thường ở vị trí chi và thân mình. Thứ hai, da rát và sẩn: trong một vài trường hợp, ban Covid-19 có thể bao gồm những điểm ngứa phẳng hoặc dày lên, loại ban này có thể ảnh hưởng thân mình. Thứ ba là loại ban bọng nước, xuất hiện kèm bọng nước tương tự bệnh thủy đậu, thường ở thân mình. Dạng ren là da có những vòng bạc màu sắc tố hình dạng ren hay lưới, xuất hiện ở chân. Ngoài ra còn có dạng các chấm điểm, bao gồm các chấm điểm màu đen.


Ban ngón chân còn được gọi là "ngón chân Covid-19", có thể gây những mảng bạc màu và phù một hoặc nhiều ngón chân. Vùng ảnh hưởng thường đau nhức, ngứa, có cảm giác nóng bỏng.


Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao một số người xuất hiện ban, một số người không. Một số cơ chế được cho là nhiễm trùng trực tiếp mô da bởi Covid-19; hoạt động của hệ miễn dịch; ảnh hưởng của tình trạng tăng đông máu...


Bác sĩ Tuấn cảnh báo phát ban trên da còn có thể là biến chứng nghiêm trọng của Covid-19 ở trẻ em, gọi là hội chứng đáp ứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C), gây hiện tượng viêm đa cơ quan. Các nhà khoa học vẫn chưa rõ cơ chế gây nên MIS-C. Các triệu chứng da của MIS-C bao gồm: ban; đỏ da ở tay, chân hoặc cả hai; môi khô, đỏ và nứt nẻ. Các triệu chứng tiềm tàng khác: mắt đỏ, sốt, rất mệt mỏi, đau bụng; triệu chứng tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy; đau cổ... Nếu trẻ có các triệu chứng của MIS-C, người nhà hãy liên lạc y tế ngay.


Về điều trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ vì bệnh rất dễ nhầm với các bệnh lý khác. Ban Covid-19 có thể chữa tại nhà bằng cách chườm lạnh vùng ngứa; tắm trong dung dịch bột yến mạch (oatmeal bath) giúp giảm ngứa và kích thích da; sử dụng các loại thuốc không kê đơn sử dụng tại chỗ: như kem hydrocortisone và lotion chứa thành phần calamine. Bên cạnh đó, tránh gãi bởi càng gãi càng ngứa và tăng nguy cơ sẹo, nhiễm trùng, thay đổi sắc tố. Nếu bị nặng bạn có thể cần sự trợ giúp của bác sĩ.

Thúy Quỳnh

Di chứng Covid-19 trên da

TP HCMMột tháng sau khi khỏi Covid-19, chị Thanh, 45 tuổi, ở quận 8, xuất hiện các nốt sần viêm ngứa ở da đầu, cảm giác ngứa ngáy ngày càng nhiều và khó chịu.


Chị Thanh có bệnh nền lupus ban đỏ, đã điều trị ổn định. Sau 4 tuần điều trị Covid-19, chị khỏi bệnh, xuất viện về nhà. Gần đây, chị phát hiện các nốt sần ngứa ở da đầu, đi khám ghi nhận các mảng da khô chàm hóa ở tay và chân. Chị cho biết, tình trạng kéo dài gây khó chịu, ngứa ngáy và mất thẩm mỹ. Điều trị tại nhà không đỡ, chị mới đến bệnh viện kiểm tra.


Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh (Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện đại học Y dược TP HCM), ngày 17/11 cho biết đây là một trong hàng chục bệnh nhân đến khám sau khi khỏi Covid-19. Mỗi bệnh nhân có triệu chứng, ở nhiều mức độ khác nhau.


"Bệnh nhân này có bệnh nền lupus ban đỏ nên tổn thương nặng nề", bác sĩ nói.


Một bệnh nhân nam, 17 tuổi, phát hiện Covid-19 từ 20/9, xuất viện ngày 4/10, cũng gặp tình trạng tương tự. Anh nổi mẩn đỏ rải rác ở ngực, vai như phát ban từ 9/11, tức sau khỏi bệnh 5 tuần. Sau đó, các mẫn đỏ lan dần chi chít ở bụng, tay chân, cổ, dưới hàm, nhưng không bị ở mặt. Bệnh nhân khỏe mạnh, không tiền căn viêm da, thương tổn không đau, ngứa ít. Theo bác sĩ, di chứng hậu Covid-19 có thể xảy ra trên cả F0 khỏe mạnh, không có bệnh nền hay từng mắc bệnh về da trước đó.


Đối với tình trạng này, bác sĩ Thanh nhận định, trong giai đoạn hậu Covid-19, nhiều trường hợp bị khởi phát bệnh về da do hệ miễn dịch suy yếu, làm tiền đề cho các vi sinh vật dạng ký sinh trùng tạm trú trên da bùng phát. Tình trạng viêm da đột ngột mà không điều trị đúng cách khiến bệnh kéo dài và trở nặng thành bệnh mạn tính, gây mất thẩm mỹ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng thể trạng và tâm lý người bệnh.


Do đó, khi xuất hiện các vết mảng chàm hóa hoặc viêm nang lông cần đi bệnh viện, chẩn đoán giảm thiểu triệu chứng và khôi phục hàng rào bảo vệ da. Thường từ 4 đến 8 tuần bệnh sẽ điều trị ổn định.

Ngoài tình trạng viêm da, nhiều F0 sau khỏi bệnh bị tăng cân nhanh, da xạm, khô và đen. Bác sĩ dẫn chứng trường hợp bệnh nhân nữ, 39 tuổi ở Tân Bình, TP HCM đến khám vì da khô, xạm trong thời ngắn và tăng cân khá nhiều. Bệnh nhân mắc Covid-19 một tháng trước. Trước khi mắc bệnh, chị nặng 55 kg xuống, xuất viện giảm còn 49 kg. Sau xuất viện 30 ngày, chị tăng 10 kg. Việc tăng cân quá nhanh khiến chị mệt mỏi, chỉ hoạt động nhẹ như rửa bát, lau nhà cũng khiến chị thở dốc.


"Bình thường mập mạp da dẻ hồng hào nhưng tôi thì trái ngược, ngày càng khô và xạm đen đi, rất ngại", chị nói.


Theo bác sĩ Thanh, F0 sau khi khỏi bệnh dễ bị tăng cân mất kiếm soát do lúc mắc Covid-19, bệnh nhân mất vị giác, ăn uống kém, khi khỏi bệnh thì có vị giác trở lại, cảm nhận được mùi vị nên thấy ăn uống ngon miệng hơn. Thứ hai do quan niệm dân gian, cần cật lực bồi bổ sau ốm; cuối cùng là tác dụng phụ của corticoid mà bệnh nhân dùng trong thời gian điều trị Covid-19.


"Hệ hô hấp vẫn bị hạn chế do sự xơ hóa của nhu mô phải khi mắc Covid-19, việc tăng cân nhanh càng khiến cơ thể thêm mệt mỏi", bác sĩ phân tích. Ngoài ra, tăng cân dẫn tới béo phì, kéo theo hàng loạt bệnh chuyển hóa như huyết áp, tăng mỡ máu, tim mạch. Bác sĩ khuyến cáo người dân cần duy trì chế độ ăn uống chừng mực, khi có dấu hiệu phù nề cần uống nước nhiều để đào thải ra ngoài, kết hợp với chăm sóc da mỗi ngày.


Tình trạng nhiều người sau khỏi bệnh vẫn chịu các di chứng kéo dài, được các nhà khoa học trên thế giới gọi là "hội chứng hậu Covid" hoặc "hội chứng Covid kéo dài". Tình trạng này đã được ghi nhận nhiều tại các nước, song với các nhà khoa học, hội chứng hậu Covid vẫn còn là hiện tượng khó lý giải nhất của đại dịch. Theo một nghiên cứu của Anh đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet hôm 15/7, trung bình mỗi bệnh nhân Covid-19 gặp 56 triệu chứng khác nhau. Tổng cộng, 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể. Một phần ba số đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất 6 tháng kể từ khi khỏi Covid-19.


Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, kiệt sức và sương mù não. Những tình trạng khác bao gồm ảo giác, run rẩy, ngứa da, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, rối loạn chức năng tình dục, các vấn đề tim mạch và bàng quang, bệnh zona, mất trí nhớ, mờ mắt, tiêu chảy và ù tai.


Tất cả bệnh nhân Covid-19 cấp tính đều có thể mắc hội chứng hậu Covid, bao gồm người không triệu chứng tới bệnh nhân rất nặng phải điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).


Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, giải thích Covid-19 là một bệnh toàn thân, gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bệnh nhân bị ảnh hưởng qua quá trình điều trị lâu, bao gồm ảnh hưởng tâm lý cộng với việc sử dụng thuốc... khiến các chức năng, cơ quan, đều bị suy giảm, nhất là bệnh nhân bị nặng nằm hồi sức.


Ngoài ra, có hiện tượng cơ thể bệnh nhân sinh ra các kháng thể chống lại virus, điều này có thể khiến cho các bộ phận của cơ thể gây ra bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn là bệnh xảy ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Một số trường hợp sốt kéo dài, viêm kéo dài có thể gây ra các bệnh lý khác nhau như hội chứng thực bào tế bào tủy...


Các bác sĩ khuyến cáo người gặp các vấn đề liên quan triệu chứng hậu Covid-19, tùy từng trường hợp, nên tham vấn bác sĩ để phân tích nguyên nhân, các triệu chứng..., từ đó có phương án điều trị phù hợp.


Thùy An

Chữa mề đay hậu Covid-19 thế nào

Tôi mắc Covid-19 và bị nổi rất nhiều mề đay, ngứa, uống thuốc không bớt mà càng lan rộng. Chữa như thế nào? (Nguyễn Thanh Hoa, Đồng Nai)


Trả lời:


Virus nói chung khi vào cơ thể sẽ gây nhiều phản ứng miễn dịch, do đó không có gì khó hiểu khi vùng da của bạn bị ảnh hưởng, cụ thể là nổi mề đay (mày đay) khi mắc Covid-19.


Tình trạng da nổi mẩn ngứa với những nốt nhỏ hoặc có khi xuất hiện vết trợt da, nổi ban lan rộng và ngứa, gọi là mày đay dị ứng. Các triệu chứng này có thể xảy ra trong giai đoạn điều trị Covid cấp tính hoặc sau khi đã điều trị khỏi nhiều tuần. Nếu ngứa nhiều, bạn thoa kem làm ẩm da hoặc corticoid tại chỗ, dùng thuốc kháng histamin theo hướng dẫn của bác sĩ giúp giảm triệu chứng ngứa.


Trường hợp mày đay này lan đến mặt, gây phù môi hoặc lưỡi, cần đến bác sĩ để khám. Nặng hơn nữa là phù vùng mặt, khó thở, phải cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.


Tuy nhiên hầu hết trường hợp nổi ban dị ứng do Covid-19 sẽ tự hết mà không cần điều trị. Nếu nốt mềm, màu sẫm (hoặc tím, đen) xuất hiện đột ngột tại bất kỳ đâu trên cơ thể, gọi là ban xuất huyết, phải đi khám ngay. Các vết ban này thường sẽ không bị đổi màu khi bạn dùng tay ấn lên, thường kèm sốt.


Với tình trạng ban dị ứng của bạn, đã uống thuốc (không rõ là thuốc gì) mà vẫn còn triệu chứng nhiều thì nên đi khám để được bác sĩ đánh giá chính xác và tư vấn hướng điều trị phù hợp. Uống thuốc kháng dị ứng chỉ nhằm điều trị triệu chứng. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm dị nguyên tìm dị ứng nguyên (nguyên nhân khiến cơ thể dị ứng). Hiện, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có xét nghiệm Panel dị ứng 60 dị nguyên để tìm nguyên nhân dị ứng và điều trị chính xác căn nguyên. Chúc bạn mau khỏi bệnh.


Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Thanh Trúc

Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Bé trai mắc di chứng Covid nguy hiểm

PHÚ THỌBé trai 7 tuổi sốt cao, nổi ban toàn thân, bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), di chứng nguy hiểm sau khỏi Covid-19.


Ông Phạm Văn Học (Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương) ngày 22/2 thông tin bố mẹ bé mắc Covid-19, không điều trị, tự khỏi. Khi ấy bé không xét nghiệm nên không xác định được có mắc Covid-19 hay không. Một tuần trước, bé sốt cao, ban toàn thân, điều trị ở bệnh viện địa phương điều trị không bớt, ngày thứ 3-4 bắt đầu nói sảng, đau nhức toàn thân... Gia đình đưa bé từ Lai Châu vượt hơn 400 km đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khám.


Khi nhập viện, bé sốt cao trên 39 độ C, mê sảng, huyết áp thấp 78/35 mmHg, các chỉ số viêm tăng rất cao, kết quả xét nghiệm có tình trạng rối loạn đông máu, chức năng tim suy giảm, chỉ số SpO2 liên tục thấp. Các bác sĩ nghĩ tới ba khả năng là bé bị nhiễm trùng máu, bệnh kawasaki và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) - di chứng sau khỏi Covid-19. Cả ba căn bệnh trên đều nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Từ yếu tố dịch tễ, các bác sĩ thiên về khả năng bé mắc hội chứng MIS-C, xét nghiệm định lượng kháng thể sau đó cho thấy cơ thể bé có kháng thể với nCoV, chứng tỏ đã từng mắc Covid-19. Xét nghiệm Pro-BNP phát hiện tình trạng viêm cơ tim và não, ảnh hưởng từ hội chứng MIS-C.


"Kết quả khẳng định bé mắc hội chứng MIS-C, tình trạng viêm đa cơ quan, suy tim, suy đa tạng sau mắc Covid-19", bác sĩ cho hay.

Hội chứng MIS-C xảy ra sau khi trẻ mắc Covid-19 khoảng 2-6 tuần. Nguyên nhân là trong quá trình mắc Covid-19, cơ thể trẻ phản ứng quá mức tạo ra các chất gây tổn thương cơ quan hệ thống. Các triệu chứng gồm sốt cao liên tục trên 24 giờ, phát ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân, rối loạn tiêu hóa, có thể có rối loạn đông máu, tổn thương thận... Trẻ có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Theo ông Học, Việt Nam ghi nhận một số ít ca mắc hội chứng này, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM). Do số lượng bệnh nhân quá ít nên hiện rất khó chẩn đoán và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tương tự khác. Phác đồ cùng thuốc điều trị đã được các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam xác định, tuy nhiên một rào cản khác mà nhiều người khó vượt qua được đó là thuốc điều hòa miễn dịch IVIG điều trị bệnh hiện nay rất đắt (khoảng 50 triệu đồng một liệu trình).


Bệnh nhi này được chẩn đoán đúng bệnh lý, chỉ sau hơn một ngày dùng IVIG, phối hợp các thuốc đặc trị khác, bé dần hết sốt, huyết áp ổn định, chức năng tim cải thiện rõ rệt.


Hiện nay, đa số người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc nhẹ, tự khỏi, một tỷ lệ rất nhỏ diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Vì vậy, mọi người cần cảnh giác và đi khám hoặc khi có những bất thường hậu Covid-19. Để ngăn hội chứng MIS-C và nguy cơ trẻ mắc bệnh, bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine Covid-19 nếu trong nhóm được tiêm, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thường xuyên rửa tay. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao, nghỉ ngơi hợp lý; bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.

Thúy Quỳnh

Bé gái mắc loại di chứng Covid chỉ có ở trẻ em

HẢI PHÒNGBé gái 10 tuổi, sau khi khỏi Covid-19 đã sốt cao, phù mu bàn tay, bác sĩ chẩn đoán bị viêm đa hệ thống (MIS-C) - di chứng chỉ xảy ra ở trẻ.


Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng ngày 25/2 thông tin, bệnh nhi được chẩn đoán ban đầu là viêm mô tế bào bàn tay phải, theo dõi nhiễm trùng huyết. Sau hai ngày điều trị, bé vẫn còn sốt nhiều kèm theo xung huyết niêm mạc miệng, phù mu bàn tay, chân, phát ban đỏ toàn thân, khó thở, mệt, bụng chướng... Các xét nghiệm cho thấy rối loạn đông máu, chưa có biểu hiện tổn thương tim.


Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm đa hệ thống (MIS-C), điều trị tích cực theo phác đồ, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt.


Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C – Multisystem Inflammatory Syndrom in Children) xảy ra chủ yếu 2-6 tuần sau mắc Covid-19. Mặc dù hội chứng này ít gặp nhưng thường diễn biến nặng có thể gây tử vong. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là sốt cao liên tục, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy.


Theo các chuyên gia, biểu hiện MIS-C là trẻ sốt cao liên tục >38,5 độ C, kèm theo có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ. Dấu hiệu bệnh nặng như: thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.


Đa phần trẻ mắc MIS-C, ở giai đoạn Covid-19 thường không có triệu chứng hoặc nhẹ. Do đó bác sĩ khuyên trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ như trên, cần nghĩ đến hội chứng này và đưa đến bệnh viện ngay, kể cả không biết rõ trẻ đã bị mắc Covid-19 trước đó hay không.


MIS-C là di chứng Covid nguy hiểm hiện chỉ ghi nhận ở trẻ em, chưa phát hiện ở người lớn, cũng chưa được nghiên cứu kỹ cũng như có số liệu phân tích. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) ghi nhận hơn 90 ca MIS-C. Bộ Y tế mới đây đưa di chứng này vào phác đồ điều trị Covid-19.

Thúy Quỳnh 

Bé trai mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19

TP HCMBé trai 11 tuổi, cơ địa thừa cân, béo phì, sốt cao liên tục 7 ngày thể vào sốc, suy hô hấp nặng do hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19.


Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 23/2 cho biết bé sốt 7 ngày trước khi vào viện cấp cứu hồi tuần trước. Năm ngày đầu, bé sốt từ 39 đến 40 độ C, uống thuốc hạ sốt không đáp ứng. Ngày thứ 6, 7 bé còn sốt cao, đau bụng quanh rốn, nôn, tiêu chảy, tay chân lạnh, nổi hồng ban ở tay, chân, bụng, mắt đỏ hồng. Khi bé vào viện, nhịp tim nhanh, mạch nhẹ, huyết áp kẹp 80/60 mmHg (hiện tượng khi hiệu số giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương dưới 20 mmHg), các phản ứng viêm tăng mạnh.


Test nhanh kháng nguyên Covid-19 trẻ âm tính, tuy nhiên kết quả xét nghiệm định lượng kháng thể nCoV dương tính, trong khi chưa tiêm vaccine. Bác sĩ Tiến giải thích kết quả này cho thấy bé từng mắc Covid-19, vì bình thường cơ thể sẽ không có kháng thể của nCoV nếu không nhiễm hoặc không tiêm vaccine.


Bác sĩ chẩn đoán bé bị hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) liên quan Covid-19, thể vào sốc - là biến chứng nguy hiểm tính mạng. Nhiều biện pháp can thiệp tích cực được áp dụng cho bé, như truyền chống sốc, dùng thuốc vận mạch sớm, truyền kháng viêm corticoid liều cao, chống đông, kháng sinh phổ rộng, hỗ trợ hô hấp thở oxy sau đó thở áp lực dương liên tục, điều chỉnh rối loạn điện giải, đường huyết... Sau gần một tuần điều trị, hiện tình trạng trẻ cải thiện dần, mạch huyết áp ổn định, không cần máy thở oxy nữa.

Theo bác sĩ Tiến, gần 5 tháng qua Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận 92 ca mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid, trong đó gần 12% trẻ biểu hiện nặng với sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan. Một nghiên cứu của bệnh viện cho thấy hơn 77% phụ huynh bệnh nhi nói không biết con mắc Covid-19, do trẻ không có biểu hiện hoặc chỉ sốt nhẹ, ho ít, triệu chứng thoáng qua.


Hội chứng viêm đa hệ thống chỉ xảy ra với trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn. Trẻ có thể gặp di chứng này ở giai đoạn 2-6 tuần sau khỏi Covid-19. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, đỏ da, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể giãn.


MIS-C được Bộ Y tế ghi nhận là một trong các biến chứng hậu Covid-19 nặng ở trẻ em, có xu hướng tăng và đưa vào phác đồ điều trị. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị hạ huyết áp hoặc sốc, suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, bất thường mạch vành, rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính, thậm chí tử vong.


Bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi bé sốt cao trên hai ngày, da nổi hồng ban, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, ói... cần đưa đến bệnh viện để khám, xét nghiệm định bệnh chính xác, từ đó có phương án điều trị phù hợp. Ngoài MIS-C, trẻ còn có thể mắc các bệnh nguy hiểm khác như sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa.


Thư Anh