CẢNH GIÁC HẬU COVID 19

1. Di chứng hậu Covid -19

2. Mắc COVID-19 làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer, Parkinson hoặc đột quỵ

Một nghiên cứu mới đây của Đan Mạch đã chỉ ra mối liên hệ giữa COVID-19 và nguy cơ mắc các chứng rối loạn thoái hóa thần kinh. Nghiên cứu kết luận, nhiễm COVID-19 sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson hoặc đột quỵ.

Nghiên cứu dựa trên hơn 900.000 người Đan Mạch, trong đó 43.375 người có kết quả xét nghiệm dương tính với Coronavirus. Theo các nhà khoa học, những bệnh nhân bị nhiễm virus sẽ có nhiều nguy cơ mắc một số bệnh và rối loạn thoái hóa thần kinh. Trong đó nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp 3,5 lần, bệnh Parkinson cao hơn 2,6 lần, đột quỵ cao hơn 2,7 lần và xuất huyết não cao hơn 4,8 lần.

Mắc COVID-19 làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer, Parkinson hoặc đột quỵ - Ảnh 1.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Rigshospitalet, Copenhagen cho thấy COVID-19 có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.

Nghiên cứu được trình bày tại Đại hội Học viện Thần kinh châu Âu (EAN) lần thứ 8, bao gồm 43.375 cá nhân mắc COVID-19 và 876.356 cá nhân không mắc bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích thống kê các hồ sơ được lấy từ cả bệnh nhân nội và ngoại trú ở Đan Mạch ngay sau khi đại dịch xảy ra từ tháng 2/2020 đến tháng 11/2021.

Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng những người có kết quả xét nghiệm dương tính có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng từ 2-3 lần, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Họ cũng quan sát thấy sự gia tăng đáng kể tỷ lệ chẩn đoán bệnh Alzheimer và Parkinson 1 năm sau khi nhiễm COVID-19.

Tiến sĩ Pardis Zarifkar, tác giả chính của nghiên cứu và là thành viên của Khoa Thần kinh tại bệnh viện Rigshospitalet ở Copenhagen, nói với Healthline rằng trong khi các nghiên cứu trước đây đã xác định mối liên hệ với các hội chứng thần kinh, người ta không biết liệu COVID-19 có ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc các bệnh thần kinh cụ thể và liệu nó có khác với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường khác hay không.

Tuy nhiên, nguy cơ gia tăng của hầu hết các bệnh thần kinh ở những người dương tính với COVID-19 không cao hơn ở những người đã bị nhiễm cúm hoặc viêm phổi do vi khuẩn.

Zarikar giải thích rằng mối liên hệ giữa cúm và Parkinson đã được thiết lập, mặc dù vaccine ngừa cúm đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra rằng những người mắc COVID-19 có nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson, Alzheimer và đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Họ cũng khẳng định rằng COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh Parkinson ở những người cao tuổi mắc COVID-19. Nghiên cứu mới này nhắc lại sự cần thiết của những người mắc các tình trạng này phải có sức khỏe tổng thể tốt nhất có thể.

Thiên Châu (Theo Healthline, L’independant)

3. Cẩn trọng với viêm kết mạc hậu COVID-19 ở trẻ

Viêm kết mạc là bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp, nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, đôi khi do một số tác nhân dị ứng, có thể điều trị và phòng tránh được.

Những dấu hiệu sớm của COVID-19 như viêm kết mạc cũng thể hiện ở mắt nhưng nhiều khi người bệnh không biết hoặc bỏ qua.

Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về COVID-19 ảnh hưởng đến mắt. Tuy nhiên, theo ThS.BS Lưu Thị Quỳnh Anh - Phó Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, một phân tích tổng hợp năm 2021 của Nasiri, trong 7.300 bệnh nhân COVID-19, có 11% trường hợp có biểu hiện ở mắt, thường gặp là viêm kết mạc, khô mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt và ngứa.

30% bệnh nhân mắc di chứng COVID-19 kéo dài có các triệu chứng khô mắt, nặng mắt, đau mắt.

ThS.BS Lưu Thị Quỳnh Anh cho hay, nguyên nhân chính khiến trẻ bị đau mắt đỏ sau khi khỏi bệnh là virus nhân lên trong niêm mạc mắt. Trẻ bị viêm kết mạc hậu COVID-19 thường có biểu hiện đỏ mắt ở các phần màu trắng của mắt, không gây khó chịu hoặc mắt có thể bị đau, cảm giác ngứa hoặc cộm, chảy nhiều nước mắt và rỉ mắt kèm nhức mắt.

Nếu không được chăm sóc, vệ sinh mắt đúng cách, tình trạng của trẻ có thể nặng hơn, dẫn đến những tổn thương khó lường, thậm chí nếu không điều trị kịp thời có thể gây mất thị lực, mù lòa.

Trong một số trường hợp, dấu hiệu đỏ mắt không đơn thuần là viêm kết mạc mà là một số tình trạng nguy hiểm hơn, như viêm màng bồ đào trước (một tình trạng viêm phần trước nhãn cầu), liên quan đến bệnh lý đáp ứng viêm hệ thống đa cơ quan.

Vì thế, ngay sau khi thấy trẻ có những biểu hiện của viêm kết mạc (đau mắt đỏ) hậu COVID-19, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời, tránh trường hợp chủ quan, tự chữa tại nhà, sẽ dẫn đến nhiều nguy hại cho đôi mắt của trẻ.

4. Hoại tử xương sọ mặt có phải do “hậu COVID-19” hay không?

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ở đây đã tiếp nhận đến 11 bệnh nhân bị viêm hoại tử xương vùng sọ mặt rất nặng ở ãngười từng mắc COVID-19 do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng. Đáng chú ý, tất cả trường hợp này đều có những triệu chứng như đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt, mắt… sau khi nhiễm COVID-19.

Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận 16 bệnh nhân từ tháng 2/2022 đến nay, trong đó có 3 bệnh nhân hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ và được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn, điều trị.

Đặc điểm chung của bệnh lý này là xảy ra chủ yếu trên bệnh nhân có đái tháo đường, có dùng thuốc corticoid và hậu COVID-19. Theo PGS.TS.BS Trần Minh Trường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng bị đau trong giai đoạn sau nhiễm COVID-19 ở vùng đầu, mặt, răng…, triệu chứng tiến triển âm ỉ kéo dài.

Đây là những dấu hiệu của bệnh viêm xoang. Và hầu hết bệnh nhân này đều có bệnh lý nền, có dùng thuốc chứa corticoid. Tuy nhiên, không dám khẳng định 100% bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt và sọ mặt do COVID-19. Nhưng từ tháng 5/2021 đến nay, thế giới đã có 80 bài báo cáo đăng tải những vấn đề tương tự, cho thấy có mối liên hệ giữa COVID-19 và cốt tủy viêm xương.

Còn theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong các bệnh nhân sống sót có một số ca tiền sử đái tháo đường được phát hiện nhiễm nấm. Từ những ca gợi ý trên, các trường hợp có bệnh cảnh tương tự cũng được điều trị nấm tích cực. Nhờ vậy, 3 bệnh nhân nguy kịch đã hồi phục kỳ diệu.

Theo các chuyên gia, trước đây khi chưa có COVID-19, tình trạng nhiễm nấm sau khi bị đái tháo đường không nhiều. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, người nhiễm COVID-19 thường bị rối loạn miễn dịch kéo dài, khiến khả năng nhiễm nấm tăng lên.