Di chứng khó thở

7 tháng không nói được do sẹo khí quản sau Covid

TPHCM - Bệnh nhân nữ 62 tuổi phải đeo canule mở khí quản ở cổ, không thể nói chuyện hay thở qua mũi trong 7 tháng sau mắc Covid vì đường thở bị sẹo chít hẹp.

Bà nhập bệnh viện dã chiến trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê phải đặt nội khí quản, thở máy kéo dài hồi tháng 11/2021. Sau đó, bệnh nhân dần hồi phục, được mở khí quản và cai máy thở.

Tuy nhiên, sau khi xuất viện, người bệnh vẫn phải đeo canule mở khí quản ở cổ vì rút nhiều lần thất bại. Trong 7 tháng, bà không nói chuyện được, đồng thời đeo canule cũng kích thích đàm nhớt trong phổi bệnh nhân nhiều hơn. Người nhà phải dùng máy để hút dịch trong ống thở. Ngoài ra, bà có bệnh nền đái tháo đường, lớn tuổi, làm tăng nguy cơ khiến vết thương khó lành hơn.

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ đã phẫu thuật tháo bỏ canule, cắt đoạn sẹo hẹp, nối khí quản, giúp đường thở thông thoáng trở lại. Sau phẫu thuật lấy ra ống canule, bà có thể thở qua mũi, nói chuyện, giao tiếp được, vết thương lành tốt.

"Bệnh nhân thật sự quay lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Ngô Thế Hải, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, hôm 16/5, cho hay.

Bác sĩ Lâm Huyền Trân, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết đây là trường hợp hẹp khí quản sau đặt nội khí quản dài ngày. Sẹo hẹp nặng gây bít hoàn toàn lòng khí quản một đoạn dài 5-6 cm, như nút chai chẹn vào đường thở. Bệnh nhân không thở được phải lệ thuộc vào canule mở khí quản. Trường hợp này nếu không phẫu thuật rút ống canule ra, người bệnh có thể phải đeo canule suốt đời.

Việc phụ thuộc vào canule thường khiến người bệnh gặp nhiều bất lợi, như hạn chế trong quá trình giao tiếp, không nói được. Bệnh nhân dễ ho khạc đàm nhiều, đàm nhớt trong phổi văng ra ngoài dễ lây nhiễm, ảnh hưởng đến người khác, bất tiện trong chăm sóc và giao tiếp cũng như trong sinh hoạt hằng ngày.

Đặc biệt, khi thở qua mũi, nhờ hệ thống lông mũi, niêm mạc đường hô hấp trên lọc khí, làm ấm, làm ẩm và làm sạch vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh. Khi mở khí quản và đặt canule, vai trò của mũi và đường hô hấp trên bị hạn chế, không khí đi trực tiếp qua lỗ mở khí quản, vào trong phổi. Bệnh nhân dễ mắc bệnh viêm phổi, bác sĩ Trân cho biết.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh phải đặt canule mở khí quản sau xuất viện không được bỏ qua giai đoạn tái khám. Bởi lúc này bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện nội soi, CT scan, đánh giá tổn thương để xem xét khả năng rút canule ra, giúp người bệnh sớm hồi phục và hô hấp bình thường.

Thư Anh

Tổn thương phổi hậu Covid nguy hiểm thế nào

Tình trạng tổn thương phổi sau khi khỏi Covid-19 tạo điều kiện cho một số loại siêu vi như phế cầu khuẩn, cúm xâm nhập, tấn công hệ hô hấp.

Hai tháng sau khi khỏi Covid-19, ông Trần Chí Thành (63 tuổi, quận Bình Tân) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM do đau nhói ngực trái và khó thở. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị viêm phổi nặng do vi khuẩn phế cầu tấn công, có khối áp xe (ổ nhiễm trùng) bên phổi phải, tràn dịch màng phổi. Sức khỏe ông Thành tiến triển tốt hơn sau khi được bác sĩ đặt ống dẫn lưu từ màng phổi, lấy ra gần một lít mủ trắng đục và cho dùng thuốc kháng sinh.

Các bác sĩ cho biết ông Thành bị tổn thương phổi dù đã khỏi Covid-19 do tình trạng tăng đông máu. Bệnh không gây suy hô hấp cấp nhưng hình thành các cục máu đông nhỏ li ti, làm tắc các mạch máu nhỏ trong phổi, dẫn đến hoại tử mô phổi, tạo thành các ổ áp xe, tạo điều kiện cho vi khuẩn phế cầu xâm nhập.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TP HCM, có những người mắc Covid-19 và tử vong nhưng không phải chỉ do nCoV mà còn là do bội nhiễm các virus, vi khuẩn khác, trong đó có phế cầu khuẩn. Những tác nhân này tồn tại sẵn trong hầu họng và không khí sẽ chực chờ tấn công khi cơ thể suy yếu, đặc biệt là những người lớn tuổi, người có bệnh nền.

Nhiều khả năng Covid-19 sẽ tồn tại lâu dài như các bệnh cúm mùa, nên xem đây là bệnh đặc hữu (bệnh lưu hành). Đa số nước trên thế giới đã không xem Covid-19 là đại dịch, muốn trở lại cuộc sống "bình thường cũ" chứ không phải "bình thường mới". Sống chung với Covid-19 nghĩa là tình trạng tái nhiễm Covid-19 và đồng nhiễm Covid-19 với các bệnh truyền nhiễm khác sẽ luôn hiện hữu, cần phải chuẩn bị phòng ngừa từ sớm, bác sĩ Khanh nhận định.

Ông Khanh phân tích, với Covid-19, việc tái nhiễm là bình thường vì có nhiều chủng như Delta, Omicron hay mới đây là XE. Tùy theo mức độ miễn dịch, tỷ lệ tái nhiễm có thể ở mức 20-30%. Thậm chí, trong vòng một tháng, một người đã từng nhiễm chủng Delta vẫn có khả năng tái nhiễm với chủng Omicron. Nguy cơ sức khỏe bị tàn phá càng rõ ràng hơn với những "cựu F0" có di chứng tổn thương phổi.

Cùng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, nhiều nghiên cứu về tình trạng đồng nhiễm với Covid-19 đã phát hiện virus cúm và phế cầu khuẩn thường đồng hành với nCoV. Trong đó, virus cúm gây bệnh bằng cách bám vào tế bào niêm mạc mũi, hầu họng, làm các tế bào này bị tổn thương. Lúc này, nếu mắc thêm các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác như phế cầu hay nCoV, hệ thống miễn dịch sẽ bị quá tải và hậu quả nghiêm trọng hơn so với mắc riêng mỗi bệnh.

Phế cầu khuẩn thường trú ở đường hô hấp trên của 30-75% trẻ em khỏe mạnh; 30% người lớn. Phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn phổ biến nhất liên quan đến các bệnh đồng nhiễm hay nhiễm trùng thứ phát (bội nhiễm). Nếu một người đồng nhiễm Covid-19 và phế cầu, khả năng tử vong tăng lên 7-8 lần so với những người bình thường; những người bị phế cầu xâm lấn từ 3-27 ngày sau đó họ bị nhiễm Covid-19, khả năng tử vong tăng lên gấp ba lần.

Để tránh bị virus, vi khuẩn thừa cơ hội tấn công trong giai đoạn hậu Covid-19, nhiều tổ chức y tế đã khuyến cáo người dân nên tiêm sớm các vaccine có tác dụng bảo vệ đường hô hấp. Theo nghiên cứu của Kaiser Permanente (Tổ chức chăm sóc y tế hàng đầu ở Mỹ), người từ 65 tuổi trở lên tiêm vaccine phòng phế cầu Prevenar 13 có 35% giảm nguy cơ mắc Covid-19; 32% giảm nguy cơ nhập viện do Covid-19, 32% giảm nguy tử vong do Covid-19.

Ghi nhận của Hệ thống tiêm chủng VNVC, trong tháng 3/2022, lượt khách hàng đến tiêm chủng các loại vaccine có tác dụng bảo vệ đường hô hấp như cúm, phế cầu 13, bạch hầu - ho gà - uốn ván... tăng vượt trội so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân là do nhu cầu phòng các bệnh về phổi của người dân tăng cao hậu Covid-19.

Bác sĩ Chính cho biết thêm hiện có đủ các vaccine bảo vệ hô hấp, như vaccine Prevenar 13, Synflorix phòng viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do phế cầu khuẩn; vaccine VA-Mengoc BC, Menactra phòng não mô cầu; Pentaxim, Infanrix hexa, Quimi-Hib phòng viêm màng não mủ do Hib; Boostrix ngừa ho gà - bạch hầu - uốn ván; vaccine cúm tứ giá...

Hiếu Nguyễn

Phổi đông đặc sau 20 ngày khỏi Covid

Người đàn ông 65 tuổi, sau 20 ngày khỏi Covid-19 thì ho có đờm, khó thở về đêm, ăn uống kém, đến bệnh viện khám phát hiện phổi đông đặc.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương ngày 9/4 cho biết kết quả chụp CT lồng ngực bệnh nhân cho hình ảnh phổi đông đặc, tổn thương lan tỏa hai phổi do di chứng Covid. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực và theo dõi sát tình trạng tổn thương phổi.

Theo các chuyên gia, di chứng hậu Covid-19 đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Mỗi bệnh nhân có thể có một hay nhiều di chứng khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng phổi. Bệnh nhân này từng mắc Covid-19 nhưng chỉ triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh nhanh, tuy nhiên di chứng ở phổi lại rất nặng.

Bác sĩ khuyến cáo sau khỏi Covid cần đi khám ngay khi có triệu chứng kéo dài ho, tức ngực, khó thở, đau đầu... có hướng điều trị phù hợp và kịp thời. Đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ như: Người có bệnh nền tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; người từ 60 tuổi trở lên; người từng suy hô hấp do Covid-19 phải can thiệp thở oxy, sốt cao... cần đi khám sớm. Nhóm này nguy cơ gặp nhiều bệnh nền chưa khởi phát nhưng Covid-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn.

Để dự phòng di chứng Covid-19, bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine.

Thúy Quỳnh 

Xơ phổi sau một năm khỏi Covid

Nghiên cứu từ Italy cho thấy F0 có thể gặp tình trạng xơ hóa phổi, giãn phế quản và tổn thương kính mờ một năm sau khi khỏi bệnh.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Respiratory Research vào tháng 3, diễn ra trên hơn 300 bệnh nhân bị viêm phổi do mắc Covid-19. Trong đó, 60 người phải thở oxy, 140 người thở máy áp lực dương (CPAP) và 90 bệnh nhân thở máy xâm nhập (IMV).

Theo các chuyên gia, biến chứng ngắn hạn xuất hiện trong khoảng ba đến 6 tháng kể từ khi khỏi bệnh, dù mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ví dụ, một số bệnh nhân có biểu hiện suy giảm chức năng nhẹ, cũng có người khó thở khi hoạt động. Những người cần hỗ trợ oxy ở cường độ cao, phải đặt nội khí quản hoặc thở máy trong đợt nhiễm virus cấp tính dễ gặp di chứng phổi hơn.

Phim chụp X-quang và cắt lớp ở bệnh nhân cũng cho thấy biểu hiện bất thường sau một năm mắc Covid-19 như tổn thương kính mờ, mô kẽ xơ (ILA) và giãn phế quản. Cụ thể, hơn một nửa có các tổn thương kính mờ, một phần ba có các bất thường dạng lưới quan sát được trên phim chụp phổi, 44% gặp hiện tượng giãn phế quản.

Trong số 300 tình nguyện viên nghiên cứu, không ai tử vong, song 5 người cần nhập viện lại để điều trị một số tình trạng khác nhau. 70% bệnh nhân không có tiền sử hút thuốc, khoảng 80% không có hoặc chỉ mắc một bệnh lý nền cơ bản. Tỷ lệ thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu thấp và tương đương ở các nhóm.

Ở nhóm 60 người phải thở oxy, khả năng khuếch tán CO2 thấp nhất. Những chức năng khác không có sự khác biệt giữa các nhóm. Tuy nhiên, cứ 5 bệnh nhân thì có một người đi bộ được quãng đường ngắn hơn so với trước đây.

Khoảng 40% bệnh nhân cho biết họ bị khó thở khi hoạt động nhiều, 34 người đi bộ chậm hoặc phải dừng lại để lấy hơi giữa chừng. Tỷ lệ khó thở ở các tình nguyện viên gia tăng trong tháng thứ 12 khỏi bệnh, nhưng không đáng kể.

Kết quả trên cho thấy xơ hóa phổi không phải hiện tượng phổ biến ở người mắc Covid-19 từng nhập viện, chỉ 1% bệnh nhân gặp biến chứng này sau 12 tháng. Hầu hết các trường hợp bị viêm phổi kẽ nhẹ, chủ yếu có tổn thương kính mờ.

Nghiên cứu mới chứng thực các báo cáo trước đây về tổn thương dai dẳng hậu Covid-19, song không giúp xác định nguồn gốc của các tổn thương đó.

Theo các chuyên gia, tuổi tác là yếu tố khiến người bệnh dễ bị di chứng Covid-19. Điều đáng chú ý, "dù di chứng chức năng nhẹ, 35% bệnh nhân vẫn báo cáo tình trạng khó thở một năm sau mắc Covid-19, tình trạng xấu đi so với lần khám định kỳ 6 tháng trước đó", nghiên cứu nêu rõ.

Thục Linh (Theo News Medical Life Science)

Tử vong do phổi tổn thương hậu Covid

Vài tuần sau khỏi Covid-19, người phụ nữ 62 tuổi khó thở, mệt mỏi, suy hô hấp do tổn thương phổi nặng không thể can thiệp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng đơn nguyên điều trị Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, ngày 14/3 cho biết bệnh nhân đến viện khám do liên tục khó thở và mệt mỏi. Kết quả test nhanh và xét nghiệm PCR đều âm tính, tuy nhiên vài tuần trước đó bệnh nhân mắc Covid-19 và đã khỏi.

Bà có bệnh nền tăng huyết áp, lần này vào viện chỉ số SpO2 (chỉ số nồng độ oxy trong máu) chỉ ở mức 80%. Bác sĩ chỉ định hỗ trợ thở oxy, điều trị hồi sức tích cực song sức khỏe bệnh nhân không cải thiện, phổi bị tổn thương quá nặng phải can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Ba ngày sau, người bệnh tử vong.

Bác sĩ Hường cho rằng bệnh lý nền tăng huyết áp của bệnh nhân này không quá phức tạp, tuổi không quá cao, các xét nghiệm cho thấy đã khỏi Covid-19. Tuy nhiên, bà khám hậu Covid-19 rất trễ, vào viện khi phổi đã tổn thương rất nặng. Vì vậy, nguyên nhân tử vong được bác sĩ nhận định ban đầu là "do hậu quả của Covid-19" - còn gọi là hội chứng hậu Covid hoặc hội chứng Covid kéo dài.

Mỗi ngày, bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận khoảng 100 người đến khám di chứng Covid-19. Đa số người bệnh trên 60 tuổi, có bệnh nền, số ít rất trẻ, triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, thể lực giảm nhiều, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ, một số người bị rối loạn tiêu hóa... Theo bác sĩ Hường, Covid-19 gây tổn thương đa cơ quan, di chứng có thể diễn biến nặng khi không được khám và điều trị kịp thời. Do đó, người khỏi Covid-19 nên đi khám sớm, trong một tuần đầu sau 14 ngày cách ly, để được can thiệp, điều trị kịp thời.

Hội chứng hậu Covid-19 ảnh hưởng nhiều cơ quan cơ thể, các triệu chứng rất đa dạng. Khoảng 200 triệu chứng liên quan hậu Covid-19 đã được thế giới ghi nhận, mức độ từ rất nhẹ bao gồm mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng, đến rất nặng gồm suy hô hấp, xơ phổi nặng...

Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi khỏi Covid-19 mà không chẩn đoán được do các nguyên nhân hoặc bệnh lý đồng mắc khác, bác sĩ Hường cho biết. Khoảng 5-20% người bệnh có triệu chứng hậu Covid từ 4 tuần trở lên, hầu hết nhẹ, có thể tự hồi phục theo thời gian. F0 nặng, phải thở máy, khi khỏi bệnh thường chịu các di chứng kéo dài, tỷ lệ hồi phục kém hơn.

Việt Nam chưa thống kê về di chứng Covid-19, tuy nhiên đã ghi nhận nhiều F0 bị tổn thương phổi sau khi khỏi bệnh. Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, nhiều F0 khỏi bệnh đến khám phát hiện bị xẹp, xơ, đông đặc phổi. Di chứng tại phổi, xơ phổi thường phát hiện ở các F0 phải thở oxy dòng cao trở lên (HFNC).

Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 50-60% người bệnh có tổn thương bất thường ở phổi khi chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Những tổn thương hay gặp là hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng...

Bệnh viện Hữu nghị điều trị một phụ nữ 56 tuổi bị xơ phổi lan tỏa hai bên gây tổn thương chức năng hô hấp, tăng tình trạng đông máu và phản ứng viêm sau Covid-19; nhiều bệnh nhân đến khám bị suy hô hấp và tổn thương phổi, xơ phổi kéo dài.

Chi Lê 

Di chứng phổi nặng ở F0 ít triệu chứng

Nhiều F0 triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh nhanh nhưng di chứng phổi hậu Covid-19 rất nặng nề như xẹp, xơ, đông đặc phổi...

Ngày 11/3, bác sĩ Hồ Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhiều người đến tầm soát di chứng, chủ quan nghĩ "Covid-19 chỉ như cảm cúm", nhất là khi ở giai đoạn cấp tính không có triệu chứng hoặc nhẹ, không lường trước các vấn đề sức khỏe sau khỏi bệnh có thể xảy ra.

Các di chứng hậu Covid-19 vẫn còn nhiều bí ẩn, theo bác sĩ Phương. Mỗi ca có một hay nhiều di chứng khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng phổi. "Tại bệnh viện, ngày nào thực hiện chụp chiếu khám hậu Covid-19 chúng tôi cũng phát hiện các di chứng đa dạng và mới mẻ tại phổi của người bệnh", bác sĩ nói.

Điển hình là một nam bệnh nhân trẻ tuổi mắc Covid-19 với các triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh sau 5 ngày dương tính. Sau đó mũi họng bệnh nhân vẫn còn tiết nhiều chất nhầy. Chụp CT ngực, bác sĩ phát hiện thùy trên phổi phải của người bệnh xuất hiện một vùng xẹp khá rõ, nghi do đường thở bị tắc vì nhầy nhớt lấp đầy ống phế quản. May mắn người bệnh đi khám sớm nên được phát hiện và xử trí kịp thời.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ 50 tuổi, không có bệnh nền, sau khi âm tính nCoV thì mệt mỏi, sụt cân. Kết quả chụp CT ngực cho thấy hình kính mờ lan tỏa tại đáy phổi và các nốt, mảng đông đặc rải rác ở phổi.

Bác sĩ Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các triệu chứng hậu Covid-19 xuất hiện trên hệ hô hấp thường rất rõ ràng, để lại nhiều hậu quả lên sức khỏe tổng quát. Tình trạng nặng có thể phát triển thành các bất thường lâu dài ở phổi, dẫn đến xơ hóa phổi, huyết khối tắc mạch phổi, viêm phổi tổ chức, khí phế thũng...

"Các di chứng hậu Covid cần được tầm soát và xác định sớm khoảng 1-3 tháng sau khi khỏi bệnh, tùy trường hợp có thể sớm hơn", bác sĩ Hạnh nói. Thông thường, chụp X-quang ngực là phương pháp chẩn đoán được ưu tiên. Nếu phim X-quang cho thấy có bất thường, người bệnh được bác sĩ chỉ định cận lâm sàng chuyên sâu khác như chụp CT, đo chức năng hô hấp để thăm dò thể tích phổi và độ khuếch tán khí của phổi. Một số trường hợp có thể phải sinh thiết phổi để chẩn đoán.

Thế giới hiện ghi nhận hơn 200 di chứng Covid-19 khác nhau, trong đó nhiều di chứng trên phổi. Có những di chứng nhẹ có thể tự hết sau một thời gian, có những di chứng nặng khó hồi phục, thậm chí tổn thương vĩnh viễn nếu không được tầm soát và điều trị sớm. Do đó, tùy từng trường hợp mà bác sĩ khám và có hướng xử trí phù hợp.

Trên thực tế khám chữa bệnh hậu Covid tại Tâm Anh, nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ thì các di chứng nặng lên phổi vẫn xảy ra. Do đó, bác sĩ Phương khuyến cáo tốt nhất là tất cả F0 sau khi điều trị khỏi Covid-19 đều nên đi tầm soát di chứng. F0 có triệu chứng hô hấp càng nặng trong giai đoạn cấp tính Covid, sau khi khỏi di chứng phổi càng nhiều. Đặc biệt, gần như 100% người bệnh từng thở oxy liều cao đều có di chứng tại phổi, xơ phổi.

Để phát hiện sớm các di chứng hậu Covid-19 một cách chính xác, bác sĩ Phương cho rằng cần sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại chuyên dụng. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, F0 khỏi bệnh có triệu chứng trên phổi, hệ hô hấp, khó thở kéo dài... sẽ được chỉ định chụp CT phổi liều thấp bằng máy chụp CT 768 lát cắt hiện đại.

Máy có phần mềm hỗ trợ AI (trí tuệ nhân tạo), giúp phân tích nhu mô phổi, phản ánh chính xác mức độ tổn thương phổi và ghi nhận tình trạng phổi như đông đặc, kính mờ, sẹo, xơ, tổn thương ngoại biên... bằng các màu quy ước. Ví dụ AI phát hiện di chứng kính mờ lan tỏa tại đáy phổi bằng việc quét và tô màu trắng; các nốt, mảng đông đặc phổi được tô màu đỏ hoặc hồng, các vùng giảm thông khí được tô màu xanh... Nhờ tô màu, nhìn toàn cảnh, AI giúp bác sĩ nhận diện mức độ nặng - nhẹ của các tổn thương dễ hơn.

Bệnh nhân điều trị di chứng hậu Covid-19 cần tuân thủ chỉ định tái khám của bác sĩ. Người bị di chứng nhẹ, viêm phổi đơn thuần, chỉ cần điều trị bằng vật lý trị liệu, nâng dung tích phổi bằng cách tập các động tác hít thở, thể dục... Người mắc di chứng nặng cần nhập viện điều trị hay dùng thuốc tại nhà. Sau thời gian điều trị, người bệnh trở lại bệnh viện để được chụp chiếu kiểm tra lại, đánh giá mức độ cải thiện, phục hồi của phổi, các bác sĩ khuyên.

Hoài Ân

Nhiều người mắc di chứng phổi sau khỏi Covid-19

Trong số bệnh nhân sau mắc Covid-19 đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, có 25% giảm hoạt động thể lực, 50-60% chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tổn thương bất thường.

Những tổn thương hay gặp là hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng... "Những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim X-quang ngực thẳng thông thường", PGS. TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.

"Hội chứng Covid-19 kéo dài" hay "Hội chứng hậu Covid-19" biểu hiện đa dạng và có thể gặp ở nhiều cơ quan. Trong đó các biểu hiện về hô hấp là phổ biến, như ho khan, hụt hơi, khó thở dai dẳng kéo dài trong vòng 3 tháng sau khỏi Covid-19, theo bà Phương.

Ngoài ra người bệnh có thể có biểu hiện về tiêu hóa gồm buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa; mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc hay đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, mất khứu giác, giảm trí nhớ (sương mù não)...

Trường hợp điển hình là bệnh nhân nam, 36 tuổi, đến khám do bị hụt hơi khi nói câu dài và cảm thấy khó thở khi đi lại nhanh. Anh mắc Covid-19 từ ngày 12/1, khỏi bệnh sau 10 ngày. Trong giai đoạn Covid cấp, anh chỉ có triệu chứng nhẹ là chảy dịch mũi và đau mỏi người.

Chụp phim và đánh giá chức năng hô hấp, bác sĩ chẩn đoán anh tổn thương phổi kẽ, khả năng liên quan đến Covid-19 có rối loạn thông khí hạn chế. Anh thắc mắc đã tiêm đủ mũi, chỉ có triệu chứng nhẹ, song tại sao vẫn mắc di chứng Covid-19. Ngoài kê thuốc điều trị, bác sĩ hướng dẫn anh tập thở và tập vận động để phục hồi chức năng hô hấp và thể lực.

Bác sĩ cho biết, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc hội chứng hậu Covid-19 là người trên 60 tuổi, có các bệnh lý nền kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, bệnh thận mạn tính, bệnh gan mạn tính, bệnh máu mạn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch...; những người bệnh có chỉ định liệu pháp oxy tại nhà; đặc biệt là nhóm người bệnh nặng phải hỗ trợ thở máy trong thời gian mắc Covid-19 và những người chưa tiêm đủ liều vaccine cơ bản.

Các nhóm triệu chứng bất thường cần được bác sĩ khám và đánh giá về mức độ, đồng thời cần loại trừ nguyên nhân gây bệnh khác, trước khi kết luận di chứng Covid.

Hiện chưa có những nghiên cứu và thống kê đầy đủ tỷ lệ mắc di chứng Covid trên cả nước.

Để dự phòng di chứng Covid-19, bác sĩ khuyến cáo cần tiêm vaccine phòng bệnh. Nếu không may là F0, người bệnh tuân thủ khai báo y tế tại địa phương để được quản lý và phân tầng với các mức độ từ không triệu chứng đến mức độ nhẹ, trung bình và nặng.

Theo dõi sức khỏe nếu phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu sau liên hệ y tế như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít; nhịp thở ở người lớn ≥ 20 lần/phút; SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả...

Khi có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe sau Covid-19, người bệnh nên đến viện khám, điều trị sớm.

Thùy An 

Mắc Covid nặng, di chứng phổi càng nghiêm trọng

Cụ ông 85 tuổi nhập viện cấp cứu hai lần vì tụt oxy máu, sốt cao, khó thở, viêm phổi kéo dài sau khi khỏi Covid-19.

Bệnh nhân nhập khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM hai tuần trước trong tình trạng viêm phổi tái phát, sốt 39 độ C, khó thở, ho có đờm, SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) tụt dưới 90%. Một tháng trước, ông từng nhập viện vì nguyên nhân tương tự. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp do viêm phổi nặng hậu Covid-19.

Bác sĩ Trần Minh Giang, phó trưởng khoa ICU, cho biết may mắn nhà bệnh nhân gần bệnh viện nên được xử trí cấp cứu kịp thời. Sau khi điều trị ổn định, người bệnh được tư vấn tiêm vaccine ngừa cúm, phế cầu để tăng sức đề kháng trước khi xuất viện.

Những tháng gần đây, số lượt bệnh nhân đến khám di chứng hậu Covid-19, như suy tim, viêm phổi, tổn thương phổi, rối loạn lo âu... tại bệnh viện gia tăng, nhiều người phải nhập viện điều trị. Theo bác sĩ Giang, người bệnh thường có chung biểu hiện mệt mỏi, khó thở, thở gắng sức khi bế con cháu, lên cầu thang hay chỉ đi bộ quanh nhà. Đây là di chứng thường gặp hậu Covid-19, có thể tự hết sau một thời gian, tuy nhiên cũng có một số trường hợp bệnh trở nặng do chủ quan không tái khám để chặn đứng kịp thời.

Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân có chỉ định nhập viện điều trị di chứng sẽ vào khoa Nội Tổng hợp để theo dõi, đánh giá tổng trạng sức khỏe. Những trường hợp nặng, có dấu hiệu nhiễm trùng, bạch cầu tăng cao... phải chuyển đến khoa ICU. Tại khoa ICU, bệnh nhân thường phải điều trị kháng sinh liều cao trong hai tuần mới có thể hồi phục, xuất viện.

Ghi nhận thực tế toàn bệnh viện, các bác sĩ thấy phần lớn những bệnh nhân có di chứng tổn thương phổi hậu nhiễm Covid-19 là người có bệnh nền tim mạch. Tại khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, người có bệnh nền tim mạch sau nhiễm Covid-19 thường có nhiều xáo trộn như huyết áp không ổn định, rối loạn nhịp tim, cấp độ suy tim tăng lên, tái nhập viện nhiều lần do hồi hộp, khó thở, viêm phổi, suy tim...

Điển hình như một bệnh nhân nam, 60 tuổi, ngụ Bến Tre, mắc Covid-19 trên nền bệnh cao huyết áp, tiểu đường, đã tiêm vaccine. Sau khi điều trị khỏi Covid-19 tại địa phương, ông vẫn bị khó thở kéo dài và được người nhà đưa tới Bệnh viện đa khoa Tâm Anh điều trị di chứng hậu Covid-19. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm phổi trên nền suy tim độ 4.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch cho biết có thể bệnh nhân suy tim mức độ nhẹ từ trước nhưng không hay biết, đến giai đoạn hậu Covid-19 thì mức độ suy tim nặng lên. Người bệnh được điều trị hai tuần, sử dụng kháng sinh, thuốc điều trị suy tim... mới ổn định sức khoẻ. Hiện bệnh nhân vẫn cần đến bệnh viện tái khám và theo dõi đều đặn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Tim mạch còn ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị rối loạn nhịp tim nhanh hậu Covid-19. Đa số người bệnh có nhịp tim trên 110-120 lần mỗi phút, thở hụt hơi, khó thở, thở gắng sức. Tình trạng tim đập nhanh xuất hiện trong khoảng 1-3 tháng đầu sau khi họ âm tính virus. Lý giải hiện tượng này, bác sĩ Kiều cho hay người lớn tuổi, có bệnh nền có nguy cơ mắc các triệu chứng hậu Covid-19 càng cao, dễ mất cân bằng các chỉ số sinh học cơ thể. Đặc biệt là chỉ số huyết áp, nhịp tim, đường huyết trước vốn cân bằng hoặc đã được điều trị ổn định nhưng sau nhiễm Covid-19, cơ thể có nhiều rối loạn nên chỉ số thay đổi thất thường, cần can thiệp.

Để giảm tỷ lệ nhập viện hậu Covid-19, bác sĩ Kiều khuyến cáo người dân nên chủ động khám sức khỏe trong vòng 1-3 tháng đầu khỏi bệnh. Với người có triệu chứng mệt, khó thở, hụt hơi, tim đập nhanh, người cao tuổi, người có bệnh lý nền thì cần đến bệnh viện khám sớm hơn. Covid-19 có thể để lại nhiều di chứng lên tim mạch, phổi, tiêu hóa, thần kinh, tâm lý... nên người bệnh có thể đăng ký khám bệnh theo từng chuyên khoa hoặc khám sức khỏe tổng quát.

Để đánh giá toàn diện sức khỏe và phát hiện sớm di chứng Covid-19 cho người bệnh, theo bác sĩ Giang, ngoài việc bác sĩ có tay nghề cao thì còn cần có đầy đủ thiết bị máy móc hiện đại để "dò" ra di chứng. Ví dụ, người bệnh bị di chứng hô hấp, khó thở kéo dài sẽ được tư vấn chụp CT phổi liều thấp bằng máy CT 768 lát cắt. Máy có phần mềm hỗ trợ AI (trí tuệ nhân tạo) phát hiện di chứng Covid-19 trên phổi nhờ khả năng phân tích nhu mô phổi còn bao nhiêu phần trăm, phản ánh chính xác mức độ tổn thương phổi và ghi nhận tình trạng phổi như đông đặc, kín mờ, sẹo, xơ, tổn thương ngoại biên...

"Bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng càng nặng về hô hấp thì để lại di chứng phổi càng nhiều. Đặc biệt, gần như 100% người bệnh có thở oxy liều cao đều có di chứng tại phổi, xơ phổi", bác sĩ Giang nói. Do đó, căn cứ trên kết quả CT và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện đối với trường hợp cần can thiệp, hoặc tư vấn điều trị phục hồi với trường hợp nhẹ.

Với người bệnh bị di chứng nhẹ, viêm phổi đơn thuần chỉ cần điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, nâng dung tích phổi bằng cách như tập các động tác hít thở, hít xà, hít đất, bơi lội, chèo thuyền... Sau 3 tháng tập luyện, người bệnh nên quay lại bệnh viện để được kiểm tra lại, đánh giá mức độ cải thiện sau khi tập phục hồi chức năng phổi.

Với người bệnh có di chứng liên quan tim mạch, các bác sĩ tim mạch sẽ tư vấn khám tổng quát để loại trừ nguyên nhân có bệnh nền tim mạch trước đó, như suy tim, hở van tim, thiếu máu cơ tim nhưng không biết do chưa đi khám bệnh. Trường hợp người bệnh đã khám tổng quát nhưng không phát hiện bất thường thì sẽ được điều trị rối loạn nhịp tim nhanh bằng thuốc, chế độ luyện tập, thư giãn và tập tâm lý trị liệu.

Tuệ Diễm 

Lệ thuộc máy thở do di chứng Covid

Cảm giác mệt mỏi, khó thở, mất sức, yếu cơ... đeo đuổi người phụ nữ 74 tuổi, ở Bình Phước, hơn một tháng qua dù đã âm tính Covid-19.

"Sau khi khỏi Covid-19, xét nghiệm âm tính rất nhiều lần nhưng mẹ tôi vẫn bị khó thở. Cứ cai máy thở là bà lại lên cơn khó thở", con gái bà chia sẻ, cuối tuần qua.

Bà được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị trong một tháng, chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) tiếp tục can thiệp. Hiện tình hình của bà bắt đầu tiến triển hơn. Bà là một trong 300 bệnh nhân hậu Covid điều trị nội trú tại Bệnh viện Quân y 175 trong thời gian qua.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hải Công (Trưởng khoa Lao và bệnh Phổi kiêm Trưởng phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện Quân y 175) cho biết có ba nhóm bệnh lý hậu Covid chính. Nhóm thứ nhất là các bệnh nhân nặng thường gặp các di chứng hậu Covid như xơ phổi, viêm phổi, tắc mạch phổi gây ra tình trạng suy hô hấp hoặc lệ thuộc oxy thở oxy kéo dài phải điều trị nội trú. Thứ hai là nhóm bệnh lý về thần kinh bao gồm các di chứng như đột quỵ não, tắc mạch não, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc như lo lắng trầm cảm...

"Trong quá trình mắc Covid ảnh hưởng đến các động mạch nhỏ nên không gây ra các triệu chứng đột quỵ rõ trong lâm sàng, tuy nhiên trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch hoặc xơ vữa động mạch từ trước thì sẽ gây ra tắc huyết khối các động mạch lớn và gây ra đột quỵ não", bác sĩ phân tích.

Bệnh nhân trên nhập viện trong giai đoạn hậu Covid là do di chứng của đột quỵ não. Đột quỵ não dẫn đến các di chứng vận động như yếu liệt chi, yếu liệt nửa người tay hoặc chân, rối loạn về ý thức, khả năng nói giảm...

Nhóm thứ ba là các biến chứng về tim mạch, ví dụ nhồi máu cơ tim cũ, suy tim tiến triển, do tác động của Covid đẩy các bệnh lý tim mạch tăng lên. Do đó sau khi khỏi Covid-19, người bệnh phải điều trị các di chứng về tim mạch.

Tại khu điều trị nội trú bệnh nhân hậu Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, hàng ngày có hơn 30 bệnh nhân nặng nằm điều trị. Theo bác sĩ Công, nhóm bệnh nhân gặp di chứng nặng thường là nhóm nặng và nguy kịch trong giai đoạn điều trị Covid-19, người trên 45 tuổi, có bệnh nền hoặc bệnh lý béo phì... Trong giai đoạn mắc Covid, nếu người bệnh phải thở oxy liều cao kéo dài, can thiệp ECMO... thì nguy cơ gặp các di chứng xơ hóa phổi, khó thở, suy hô hấp sẽ cao hơn sau khi khỏi.

Khu điều trị hậu Covid Bệnh viện 175 đến nay tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân ngoại trú. Các bệnh nhân chủ yếu gặp các rối loạn về tâm thần kinh, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, tập rung, trí nhớ, rối loạn lo âu, giảm khả năng gắng sức, mệt mỏi, các triệu chứng hô hấp như ho kéo dài, khó thở khi gắng sức...

Theo bác sĩ Công, với những trường hợp đến khám hậu Covid-19, tùy theo tình trạng bệnh lý, bác sĩ đánh giá, xét nghiệm để chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Khoa hậu Covid, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thời gian qua điều trị hơn 7. 000 bệnh nhân ngoại trú và hàng chục trường hợp điều trị nội trú do lệ thuộc oxy. Một bệnh nhân 50 tuổi, quận 10, đến phòng khám hậu Covid, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cùng bình oxy là một trong các ca khiến bác sĩ Nguyễn Như Vinh trăn trở. Khỏi Covid hơn một tháng nhưng bệnh nhân vẫn bị khó thở, phải thở oxy. Hình ảnh X-quang phổi cho thấy phổi tổn thương nhiều, xơ phổi, tràn khí nhẹ.

"Bệnh nhân bị yếu cơ còn phải mang vác theo bình oxy trong quá trình sinh hoạt, lên xuống cầu thang rất vất vả và bất tiện. Rất may sau thời gian điều trị bằng thuốc khoảng 10 ngày bệnh nhân đã cai được bình oxy khiến tôi rất vui", tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Trưởng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM chia sẻ.

Theo bác sĩ Vinh, bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc tập thở và các bài tập rất quan trọng trong việc phục hồi di chứng hậu Covid-19. Ngoài ra, bệnh nhân nên giữ tâm lý, tinh thần thoải mái giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhanh hồi phục.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân sau khỏi bệnh nếu có các triệu chứng bất thường so với cảm nhận của người bệnh ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, giấc ngủ, công việc nên sớm đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán các rối loạn. Hoặc người bệnh không có các dấu hiệu không rõ nét nhưng có sự lo lắng về sức khỏe quá mức cũng nên đi khám và tư vấn chi tiết để bác sĩ tư vấn, chẩn đoán chính xác. Không nên mang lo lắng dễ dẫn rối loạn cảm xúc, giấc ngủ hoặc mày mò và các loại thuốc không đúng, gây hại sức khỏe.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Anh Dũng chia sẻ tại Hội nghị triển khai các hoạt động trọng tâm của ngành y tế năm 2022, chiều 12/1, các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận di chứng hậu Covid không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng cần nhập viện hoặc lớn tuổi, có bệnh nền mà còn gặp ở những người trẻ tuổi, mắc bệnh nhẹ. Trong đó, khoảng 1/5 bệnh nhân độ tuổi 18-34, không nhập viện, không triệu chứng, vẫn mắc di chứng. Phân tích gộp trên gần 48.000 bệnh nhân Covid-19 lứa tuổi 17 đến 87, thời gian 14 đến 110 ngày sau nhiễm Covid, ghi nhận 55 nhóm tác động lâu dài với nhiều triệu chứng, hậu quả để lại trên cơ thể. Khoảng 80% bệnh nhân từng nhiễm có ít nhất một triệu chứng kéo dài, thậm chí đến 5 triệu chứng.

Tại TP HCM, đến nay hơn nửa triệu người dân mắc Covid-19, trên 300.000 người đã xuất viện. Ngành y tế thành phố đề ra mục tiêu quan trọng trong thời gian tới là xác định mô hình của bệnh nhân hậu Covid trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăm sóc sức khỏe hậu Covid, nâng năng lực chăm sóc của ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Hai chiến lược chăm sóc hậu Covid được Sở Y tế TP HCM triển khai là tiếp cận và can thiệp sớm. Mục đích nhằm quản lý, chăm sóc, điều trị sớm người mắc di chứng, đảm bảo về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho người bệnh.

Lê Cầm