Những điều cần biết về vắc-xin COVID-19

Lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 là gì?

Vắc-xin cứu sống hàng triệu người mỗi năm và vắc-xin COVID-19 có thể cứu sống bạn. Vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả, mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại biến chứng nghiêm trọng và tử vong. Theo số liệu của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những người chưa tiêm phòng có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hơn ít nhất 10 lần so với người đã được tiêm phòng.

Điều quan trọng là phải được tiêm phòng ngay khi bạn đến lượt, ngay cả khi bạn đã nhiễm COVID-19. Tiêm vắc-xin là cách an toàn hơn để bạn phát triển kháng thể để chống lại các biến chứng nặng do COVID-19 gây ra.

Vắc-xin COVID-19 có hiệu quả cao, nhưng không có vắc xin nào bảo vệ và ngăn ngừa 100% khỏi bị lây nhiễm. Một số người vẫn sẽ bị lây nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng hoặc truyền vi rút cho người khác.

Do đó, điều quan trọng là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và những người khác, bao gồm tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách, rửa tay,  khử khuẩn và đeo khẩu trang.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Ai nên tiêm vắc-xin COVID-19 trước?

Mỗi quốc gia thường đặt ra một số nhóm dân cư cần được ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 sớm. Một trong các nhóm ưu tiên do WHO khuyến nghị là nhân viên y tế tuyến đầu (để bảo vệ hệ thống y tế) và những người có nguy cơ tử vong cao nhất do COVID-19, bao gồm người lớn tuổi và những người mắc bệnh nền. Những nhân viên thiết yếu khác như giáo viên và nhân viên xã hội, cũng nên được ưu tiên và tiếp theo là các nhóm bổ sung khi có nhiều vắc-xin hơn.

Nguy cơ biến chuyển nặng do COVID-19 là rất thấp ở trẻ em và thanh thiếu niên, vì vậy trừ khi họ thuộc nhóm có nguy cơ cao đối với COVID-19, thì việc tiêm vắc-xin cho họ sẽ ít khẩn cấp hơn so với các nhóm ưu tiên nêu trên.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Khi nào bạn không nên tiêm phòng vắc-xin COVID-19?

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về việc bạn có nên tiêm vắc-xin COVID-19 hay không, hãy tìm hiểu và tham vấn với nhân viên y tế nơi bạn đang sinh sống. Hiện tại, những người có các tình trạng sức khỏe sau đây không nên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để tránh bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra:

Nếu bạn có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin COVID-19.

Nếu bạn hiện đang bị bệnh hoặc gặp các triệu chứng của COVID-19 (mặc dù bạn có thể tiêm vắc-xin khi bạn đã bình phục và được sự đồng ý của bác sĩ).

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Nếu tôi đã từng nhiễm COVID-19, tôi có nên tiêm vắc-xin không?

Có, bạn vẫn nên tiêm vắc-xin ngay cả khi bạn đã từng nhiễm COVID-19 trước đó. Mặc dù những người hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 có kháng thể tự nhiên nhưng vẫn không chắc chắn khả năng miễn dịch đó kéo dài bao lâu hoặc có thể bảo vệ bạn chống lại sự tái nhiễm COVID-19 tốt như thế nào. Vắc-xin cung cấp sự bảo vệ đáng tin cậy hơn, đặc biệt là chống lại biến chuyển nặng dẫn đến tử vong. Các quốc gia trên thế giới có các chính sách tiêm phòng vắc-xin COVID-19 khác nhau. Bạn cần kiểm tra thông tin về việc tiêm phòng vắc-xin COVID-19 với các trạm y tế nơi bạn đang sinh sống.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Loại vắc-xin COVID-19 nào tốt nhất cho tôi?

Tất cả các loại vắc xin được WHO chấp thuận đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc bảo vệ bạn khỏi các biến chứng nặng và tử vong do COVID-19. Loại vắc-xin tốt nhất để tiêm là loại có sẵn và bạn có thể tiếp cận để tiêm nhanh nhất.

Bạn có thể tìm hiểu thêm các loại vắc-xin đã được phê duyệt trên trang web của WHO.

Hãy nhớ rằng, bạn cần tiêm đủ hai liều, điều quan trọng là phải tiêm đủ và đúng lịch để có được sự bảo vệ tốt nhất. Cơ quan y tế địa phương có thể khuyến nghị các liều bổ sung (mũi tăng cường) cho các nhóm cụ thể.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Vắc-xin COVID-19 có an toàn không?

Có, mặc dù vắc-xin COVID-19 đã được phát triển nhanh nhất có thể, vắc-xin ngừa COVID-19 phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt trong các thử nghiệm lâm sàng để chứng mình và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đã được thống nhất về tính an toàn và hiệu quả. Chỉ khi đáp ứng các tiêu chuẩn này, vắc-xin mới có thể nhận được chứng nhận từ WHO và các cơ quan quản lý quốc gia.

UNICEF sẽ chỉ mua sắm và cung cấp vắc-xin COVID-19 đáp ứng các tiêu chí an toàn và hiệu quả đã được thiết lập của WHO và đã nhận được sự chấp thuận theo quy định.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Làm thế nào mà vắc-xin COVID-19 được phát triển nhanh chóng như vậy?

Các nhà khoa học đã có thể phát triển vắc-xin hiệu quả an toàn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn do sự kết hợp của các yếu tố cho phép họ mở rộng quy mô nghiên cứu và sản xuất mà không ảnh hưởng đến độ an toàn:

Vì đại dịch lan rộng toàn cầu, nên chúng ta có mẫu bệnh phẩm khá lớn để nghiên cứu và có hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng

Những tiến bộ trong công nghệ (như vắc-xin mRNA) đã được nhiều năm chế tạo

Chính phủ và các cơ quan khác đã hợp tác để tháo gỡ trở ngại về tài trợ cho nghiên cứu và phát triển

Việc sản xuất vắc-xin diễn ra song song với các thử nghiệm lâm sàng để tăng tốc độ sản xuất

Mặc dù được phát triển nhanh chóng, nhưng tất cả các vắc-xin COVID-19 được WHO chấp thuận sử dụng đều an toàn và hiệu quả.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Các tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19 là gì?

Vắc-xin được thiết kế để cung cấp cho bạn khả năng miễn dịch mà không có nguy cơ mắc bệnh. Không phải ai cũng bị như vậy, nhưng thông thường sẽ gặp một số tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình sẽ tự biến mất trong vài ngày.

Một số tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình mà bạn có thể gặp phải sau khi tiêm chủng bao gồm:

Đau nhức cánh tay tại chỗ tiêm

Sốt nhẹ

Mệt mỏi

Nhức đầu

Đau nhức cơ hoặc khớp

Ớn lạnh

Bệnh tiêu chảy

Bạn có thể kiểm soát bất kỳ tác dụng phụ nào bằng cách nghỉ ngơi, cung cấp đủ nước và dùng thuốc để kiểm soát cơn đau và sốt, nếu cần.

Nếu bất kỳ triệu chứng nào tiếp tục kéo dài hơn một vài ngày, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nơi bạn đang sống để được tư vấn. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn là cực kỳ hiếm, nhưng nếu bạn gặp phản ứng nghiêm trọng hơn, hãy liên hệ ngay với cơ sở ý tế gần nhất để được trợ giúp.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Tôi có thể ngừng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ngay sau khi tôi tiêm vắc-xin không?

Hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và bạn bè nếu vẫn còn các ca nhiễm COVID-19 ở nơi bạn đang sống, ngay cả sau khi bạn đã tiêm vắc-xin. Vắc-xin COVID-19 có hiệu quả cao trong việc chống lại các biến chứng nghiêm trọng và tử vong, nhưng không có vắc xin nào có hiệu quả 100% ngăn chặn việc lây lan virus.

Ngoài việc tiêm vắc-xin COVID-19, điều quan trọng vẫn là tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh bao gồm tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách, rửa tay, khử khuẩn và đeo khẩu trang.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Tôi vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 sau khi tôi đã tiêm vắc-xin không? 'Trường hợp đột phá' là gì?

Sau khi tiêm vắc-xin bạn vẫn có thể bị nhiễm COVID-19. Trong những trường hợp như vậy, nhiều khả năng người nhiễm COVID-19 chỉ có các triệu chứng nhẹ. Rất may là sau khi tiêm vắc-xin khả năng bảo vệ của kháng thể chống lại chuyển biến nghiêm trọng và tử vong là khá cao.

Với sự ra đời của nhiều biến chủng mới của COVID-19 như Omicron đã làm việc lây nhiễm nhanh và mạnh hơn,. Đó là lý do tại sao bạn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch CVOID-19 như tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, ngay cả khi bạn đã tiêm phòng.

Và hãy nhớ rằng điều quan trọng là tiêm đủ tất cả các liều vắc-xin được khuyến nghị để có được sự bảo vệ tối đa.

Nếu bạn đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn xuất hiện các triệu chứng của COVID-19, bạn nên liên hệ với bác sĩ để biết liệu bạn có nên đi xét nghiệm hay không.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Sự bảo vệ của vắc-xin COVID-19 kéo dài trong bao lâu?

Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để xác định thời gian bảo vệ của vắc-xin COVID-19. Theo WHO, hầu hết mọi người được bảo vệ mạnh mẽ trước chuyển biến nghiêm trọng và tử vong trong ít nhất sáu tháng. Khả năng miễn dịch này có thể giảm nhanh hơn đối với một số người, bao gồm cả các nhóm tuổi lớn hơn và những người có bệnh nền.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Vắc-xin COVID-19 có bảo vệ bạn chống lại các biến chủng như Delta và Omicron không?

Vắc-xin COVID-19 được WHO phê duyệt đã tiếp tục minh chứng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa biến chuyển nặng và tử vong, bao gồm cả hiệu quả chống lại biến chủng Delta.

Tuy nhiên, vắc-xin cung cấp ít khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm từ Omicron, hiện là biến chủng thống trị trên toàn cầu. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tiêm vắc-xin và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch để giảm sự lây lan của vi rút - giúp giảm nguy cơ vi rút đột biến - bao gồm giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thông gió tốt, rửa tay thường xuyên và tìm kiếm sự chăm sóc sớm nếu bạn có các triệu chứng nhiễm COVID-19.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Tôi có cần tiêm nhắc lại không?

Các mũi vắc-xin tăng cường hay còn gọi là mũi tiêm nhắc lại đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bạn khỏi chuyển biến nặng phải nhập viện và tử vong. Về thời điểm tiêm nhắc lại, đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn nên tuân theo các khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Tôi có thể tiêm trộn nhiều loại vắc-xin COVID-19 khác nhau không?

Có, tuy nhiên, các chính sách về pha trộn vắc xin khác nhau tùy theo quốc gia. Một số quốc gia đã sử dụng các loại vắc xin khác nhau cho loạt vắc-xin chính và vắc-xin tăng cường. Bạn nên tìm hiểu thông tin chi tiết từ các cơ sở y tế nơi bạn đang sống để được hướng dẫn và tư vấn phù hợp nhất đối với bạn.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Tôi có nên tiêm vắc-xin COVID-19 nếu tôi đang mang thai không?

Có, bạn có thể tiêm vắc-xin COVID-19 nếu bạn đang mang thai. Mặc dù nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 nói chung vẫn thấp, nhưng khi mang thai, bạn có nguy cơ biến chuyển nặng cao hơn so với những người không mang thai.

Mặc dù có ít dữ liệu hơn, nhưng bằng chứng về tính an toàn của vắc-xin COVID-19 trong thời kỳ mang thai ngày càng tăng và không có mối lo ngại về an toàn nào được xác định. Để biết thêm thông tin về việc tiêm vắc-xin COVID-19 khi đang mang thai, hãy xin tư vấn từ các cơ sở y tế nơi bạn đang sống.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Tôi phát hiện thông tin trên mạng không chính xác về vắc-xin COVID-19. Tôi nên làm gì?

Đáng buồn thay, có rất nhiều thông tin không chính xác trên mạng về virus và vắc-xin COVID-19. Rất nhiều thứ chúng ta đang gặp phải là mới đối với tất cả chúng ta, vì vậy có thể có một số dịp mà thông tin được chia sẻ, theo cách không độc hại, hóa ra là không chính xác.

Thông tin sai lệch trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể lan truyền hoang tưởng, sợ hãi và kỳ thị. Nó cũng có thể dẫn đến việc con người không được bảo vệ hoặc dễ bị tổn thương hơn đối với vi-rút. Bạn nên kiểm chức xác minh thông tin và chỉ nên nhận lời khuyên từ các nguồn tin cậy như Cơ quan y tế địa phương của bạn, Liên Hợp Quốc, UNICEF, và WHO.

Nếu bạn phát hiện nội dung trên mạng sai sự thật, bạn có thể giúp ngăn chặn nó lan truyền bằng cách báo cáo nó với các nền tảng mạng xã hội qua các chức năng báo cáo bài viết (report post).

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Làm thế nào tôi có thể bảo vệ gia đình mình cho đến khi tất cả chúng ta được tiêm vắc-xin COVID-19?

Vắc-xin an toàn và hiệu quả sẽ thay đổi cục diện cuộc chơi, nhưng ngay cả khi đã được tiêm phòng, chúng ta cần tiếp tục duy trì việc thực hiện các biện pháp phòng dịch trong thời gian hiện tại để bảo vệ bản thân và những người khác. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là giảm nguy cơ tiếp xúc với virus. Để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của mình, hãy thực hiện:

Đeo khẩu trang nơi đông người.

Giữ khoảng cách vật lý với người khác ở những nơi công cộng.

Tránh không gian thông gió kém hoặc đông đúc.

Mở cửa sổ để cải thiện thông gió trong nhà.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn bằng dung dịch rửa tay có cồn.

Nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình bị sốt, ho hoặc khó thở, hãy tìm kiếm chăm sóc y tế sớm.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Vắc-xin COVID-19 có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

Không, bạn có thể đã thấy những tuyên bố sai sự thật trên mạng xã hội, nhưng không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vắc-xin nào, kể cả vắc-xin COVID-19, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ hoặc nam giới. Nếu bạn hiện đang cố gắng mang thai, bạn không cần phải tránh thai sau khi tiêm vắc-xin COVID-19.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF

Con tôi trong độ tuổi thanh thiếu niên có nên tiêm vắc-xin COVID-19 không?

Ngày càng có nhiều loại vắc-xin đang được chấp thuận sử dụng cho trẻ em, vì vậy, điều quan trọng là phải luôn được thông báo về hướng dẫn của các cơ quan y tế địa phương và quốc gia của bạn.

Vắc-xin Pfizer đã được WHO cho phép sử dụng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, và vắc xin Moderna đã được chấp thuận cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng có các triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn, vì vậy trừ khi các con thuộc nhóm có nguy cơ cao hơn, việc tiêm chủng cho các con sẽ không ưu tiên bằng việc tiêm phòng cho người lớn tuổi, người mắc bệnh nền và nhân viên y tế tuyến đầu. Hãy tìm hiểu thông tin từ chính quyền địa phương nơi bạn đang sống để biết thời gian tiêm chủng cho con mình.

Nhắc nhở các con của bạn về tầm quan trọng của việc tất cả chúng ta, thực hiện các biện pháp phòng dịch để bảo vệ lẫn nhau, chẳng hạn như tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách, rửa tay và đeo khẩu trang.

Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải duy trì và đảm bảo đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh khác theo định kỳ và khuyến cáo của chính quyền địa phương.

Nguồn: Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF