Cần biết gì khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19

Lần đầu đưa con, em mình đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19, cha mẹ hẳn sẽ có chút lo lắng. Điều quan trọng là cha mẹ, người chăm sóc cần cập nhật thông tin từ những nguồn đáng tin cậy như cơ quan y tế địa phương, Bộ Y tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới về vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em. 

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em có thể giúp giảm sự lây lan của vi rút, đặc biệt là ở những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng thấp và việc tiêm phòng cho trẻ chủ yếu là để giảm sự lây nhiễm.

WHO khuyến cáo rằng trẻ em từ 5 tuổi trở lên và mắc các bệnh nền có nguy cơ cao bệnh trở nặng khi nhiễm COVID-19 nên được tiêm chủng cùng với các nhóm nguy cơ cao khác.

Khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19, cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý ba điều sau:

1. Tìm hiểu đầy đủ về tác dụng của tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đối với trẻ. Trước khi đưa trẻ đi tiêm, cần chuẩn bị tâm lý thật tích cực cho trẻ; cho trẻ ăn đủ no; ký giấy đồng ý cho trẻ tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

2. Tại điểm tiêm chủng, cần thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế. Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm và thông báo ngay với cán bộ y tế khi trẻ có dấu hiệu bất thường.

3. Sau khi về nhà, để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh trong 3 ngày sau tiêm, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng... Nếu trẻ sưng, đỏ, đau tại vị trí tiêm … thì đây là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc-xin, tiếp tục theo dõi thêm. Nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay. Không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Nếu trẻ sốt cao trên 38.5 độ, cho trẻ hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. 

Các phản ứng nghiêm trọng hoặc bất thường sau tiêm rất hiếm gặp. Nếu trẻ gặp phải các phản ứng nghiêm trọng hoặc bất thường sau tiêm, cha mẹ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế theo số điện thoại được cung cấp hoặc đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Các dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng gồm có:

Ở miệng: có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi…

Ở da: có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da…

Ở họng: có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó…

Về thần kinh: có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

Về tim mạch: có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

Đường tiêu hóa: có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

Đường hô hấp: có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái

Toàn thân:

Chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường

Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn

Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt

Nguồn: UNICEF và Bộ Y tế