Di chứng rối loạn tâm thần

Trầm cảm - cơn bão thầm lặng hậu Covid

MỸ18 tháng sau mắc Covid, Scott Taylor, 56 tuổi, tự tử tại nhà riêng gần Dallas trong tình trạng kiệt quệ về cả sức khỏe, trí nhớ và tiền bạc.


"Không ai quan tâm, không ai dành thời gian để lắng nghe. Tôi có thể giặt giũ nếu không hoàn toàn kiệt sức, đau đớn. Thế giới quay cuồng, tôi chóng mặt, nôn mửa và tiêu chảy. Tôi nói nhiều, nhưng đôi khi chẳng biết mình đang nói gì", Taylor viết trong tin nhắn cuối cùng cho một người bạn.


Ông ở chung hoàn cảnh với hàng triệu bệnh nhân Covid-19 kéo dài khác, với các di chứng dai dẳng hàng tháng, thậm chí nhiều năm sau đợt lây nhiễm ban đầu. Đây là tình trạng y tế phức tạp, khó chẩn đoán vì có hơn 200 triệu chứng, một số có thể giống với các bệnh khác. Các biểu hiện đặc trưng bao gồm kiệt sức, suy thận, đau nhức cơ thể, sốt và tim đập nhanh, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).


Hiện chưa có dữ liệu từ các cơ quan chính phủ về tỷ lệ trầm cảm của người bị Covid-19 kéo dài. Một số nhà khoa học từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ và Cơ quan An ninh Y tế Anh đang bắt đầu nghiên cứu mối liên hệ tiềm ẩn sau khi số trường hợp trầm cảm và tự tử gia tăng.


Leo Sher, bác sĩ tâm thần tại Dịch vụ Y tế Mount Sinai, cho biết: "Tôi chắc chắn Covid-19 kéo dài có liên quan đến ý nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi chưa có dữ liệu về mặt dịch tễ học".


Hai câu hỏi quan trọng được đặt ra bao gồm: Liệu nguy cơ trấm cảm tăng lên có phải do virus đang gây ra những thay đổi sinh học trong não bộ bệnh nhân? Tình trạng phong tỏa có phải nguyên nhân đẩy mọi thứ đến bờ vực, dẫn tới các vấn đề sức khỏe kéo dài?


Trích dẫn một số nghiên cứu, tiến sĩ Sher cho biết các rối loạn đau đớn nói chung và chứng viêm trong não là một yếu tố dự báo trầm cảm khá chính xác.


Phân tích do công ty dữ liệu Truveta và Reuters thực hiện cho thấy, bệnh nhân hậu Covid có tỷ lệ uống thuốc chống trầm cảm trong vòng 90 ngày kể từ khi mắc bệnh cao hơn so với người không gặp di chứng. Phân tích dựa trên dữ liệu từ 20 hệ thống bệnh viện lớn của Mỹ, gồm hơn 1,3 triệu người được chẩn đoán mắc Covid-19 kéo dài kể từ tháng 5/2020 đến tháng 7/2022.


Giới chuyên gia chưa hiểu rõ về tác động tiềm tàng của Covid-19 kéo dài. Chính phủ và các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu nghiên cứu kể từ sau khi Covid-19 suy yếu.


Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington, nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 bình phục theo thời gian. Tuy nhiên, 15% vẫn gặp các triệu chứng sau 12 tháng. Hiện không có phương pháp điều trị chính thức cho căn bệnh, các biểu hiện suy nhược có thể khiến người bệnh không đủ sức khỏe để làm việc.


Tình trạng trầm cảm hoặc tự tử hậu Covid-19 là rất nghiêm trọng. Chỉ riêng ở Mỹ, nó ảnh hưởng đến 23 triệu người, theo dữ liệu của Văn phòng Giải trình Chính phủ công bố ngày 13/9.


Di chứng Covid-19 cũng khiến khoảng 4,5 triệu người mất việc làm, tương đương khoảng 2,4% lực lượng lao động Mỹ. Theo IHME, trên toàn thế giới, gần 150 triệu người phát triển vấn đề hậu Covid trong hai năm đầu tiên của đại dịch.


Ở nhiều nước đang phát triển, thiếu hệ thống giám sát liên quan đến Covid-19 kéo dài khiến tình hình tồi tệ hơn, Murad Khan, giáo sư tâm thần học tại Đại học Aga Khan ở Karachi, Pakistan, nhận định.


"Vấn đề lớn nhất là chúng ta không ước đoán được quy mô của tình trạng này", ông nói.

Nhiều bệnh nhân đang cạn kiệt dần về sức khỏe, hy vọng và cả tiền bạc. Trước khi đi đến quyết định trên, Taylor đã mất việc vào mùa hè năm 2020. Bảo hiểm của ông hết hạn, đơn xin cấp an sinh xã hội của ông bị từ chối.


"Đó chính là giọt nước tràn ly", anh trai của ông là Mark Taylor cho biết.


Heidi Ferrer, một biên kịch truyền hình 50 tuổi gốc Kansas, đã chọn ra đi vào tháng 5/2021 để thoát khỏi những cơn đau dữ dội khiến bà không thể đi lại hoặc ngủ hàng đêm. Bà nhiễm nCoV một năm trước đó và các di chứng chưa thôi đeo bám, chồng bà là Nick Guthe nói.


Survivor Corps, nhóm vận động xã hội dành cho người bị Covid-19 kéo dài đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến thành viên hồi tháng 5 và nhận thấy, 44% trong số gần 200 người được hỏi từng cân nhắc đến việc từ bỏ cuộc sống.


Viện Y tế Quốc gia Mỹ theo dõi các tác động của Covid-19 kéo dài lên sức khỏe tâm thần như một phần của nghiên cứu RECOVER trị giá 470 triệu USD. Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên, Richard Gallagher, phó giáo sư tâm thần học trẻ em tại NYU Langone Health, công nhận người gặp các di chứng mạn tính dễ có suy nghĩ tiêu cực.


Theo ông Gallagher, một số bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể gây viêm não, lâu dài dẫn đến trầm cảm, ngay cả ở người có triệu chứng tương đối nhẹ.


Trung bình, Covid-19 kéo dài làm suy giảm 21% sức khỏe tổng thể, tương tự như điếc hoàn toàn và chấn thương sọ não. Một số chuyên gia cho rằng Omicron ít khả năng gây ra Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, số liệu chính thức của Anh, công bố trong tháng này, cho thấy 34% trong số 2 triệu bệnh nhân phát triển di chứng sau nhiễm Omicron.


Nghiên cứu tại Anh và Tây Ban Nha cũng cho thấy nguy cơ tự tử tăng gấp 6 lần ở người bệnh bị viêm cơ tủy, hội chứng mệt mỏi mạn tính hậu Covid.


Ruth Oshikanlu, một cựu hộ sinh tại London, cho biết các vấn đề sức khỏe dai dẳng đã đẩy cô đến bờ vực. Khi phải tạm dừng công việc kinh doanh do các vấn đề về nợ nần, cô cảm thấy cuộc sống của mình như đã kết thúc.


"Tôi khóc với nhân viên kế toán và anh ấy phải giữ lấy người tôi. May mắn thay, tôi không nghĩ đến cái chết, vì còn có con trai. Nhưng tôi biết rất nhiều người đã có ý định trên", người phụ nữ 48 tuổi kể lại.


Thục Linh (Theo CNA)

Chữa 'sương mù não' hậu Covid không cần thuốc Tây

TP HCMBiểu hiện căng thẳng, thay đổi nhận thức, mất tập trung, hay quên sau khi khỏi Covid là hiện tượng "sương mù não" (brain fog), Đông y chữa bằng cách châm cứu, thuốc uống, tập luyện...


Các triệu chứng "sương mù não" được Đông y gọi là kiện vong (hay quên), tâm quý (hồi hộp), huyễn vựng (chóng mặt), thất miên (mất ngủ)..., theo bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, TP HCM. Nguyên nhân gây ra các chứng trên thường do tình chí thất điều (tạng phủ không điều hòa), bệnh lâu ngày hoặc bệnh truyền nhiễm gây tổn thương các tạng phủ. Các tạng bị tổn thương như tâm và thận, làm tổn thương thần chí, khí huyết hư gây nên sự thiếu hụt nuôi dưỡng não tủy, dẫn đến hay quên và các triệu chứng khác kèm theo.


Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết các tình huống trên thường gặp ở một số bệnh nhân hậu Covid. Biểu hiện lo lắng, căng thẳng, thay đổi nhận thức, mất tập trung, hay quên do liên quan thiếu máu não, rối loạn thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng suy nghĩ người bệnh, hay nói sai từ ngữ, khó khăn trong việc tìm vật dụng, khó biểu đạt ý nghĩ của mình. Chẳng hạn như bước vào một căn phòng tìm đồ nhưng quên mất cần tìm cái gì, khó nghĩ ra từ đúng, khó nhớ những gì vừa đọc, mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ... Ngoài ra bệnh có thể còn kèm thêm nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như nhịp tim nhanh, tay chân run, dễ hồi hộp.


Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng theo các nghiên cứu nước ngoài, đối tượng gặp tình trạng này này bao gồm cả người trẻ và người cao tuổi, người mắc triệu chứng nhẹ hoặc nặng trong lúc nhiễm nCoV. Đặc biệt "sương mù não" hay gặp ở người cao tuổi có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lo âu, trầm cảm...


Theo bác sĩ Mẫn, nCoV gây tổn hại các tế bào thần kinh, thiếu oxy do tổn thương phổi, viêm lan tỏa hay tổn thương mạch máu nhỏ làm giảm lưu thông máu não, gây ra tình trạng thiếu máu não, rối loạn thần kinh thực vật. Tâm lý lo lắng, căng thẳng, thiếu ngủ với ăn uống kém, hay suy nghĩ; một số bệnh nền kèm theo như đái tháo đường, thiếu máu, suy giáp và một số loại thuốc cũng khiến tình trạng "sương mù não" tiến triển nhanh hơn.


Vì vậy, khi có những biểu hiện bất thường về nhận thức, giảm trí nhớ, giảm tập trung và khó biểu đạt được ý nghĩa cảm xúc, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám và loại trừ các nguyên nhân bệnh cấp tính, tổn thương thực thể. Các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng và dùng tứ chẩn (bốn phương pháp khai thác triệu chứng lâm sàng của y học cổ truyền) để đưa ra các bài thuốc và các phương pháp điều trị thích hợp cho từng cá thể bệnh.


Ngoài ra, người bệnh cần tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng tuần hoàn cơ thể, giảm căng thẳng sau mỗi giờ làm việc. Ăn thực phẩm nhiều omega 3 và nhiều chất chống oxy hóa để tăng cường tuần hoàn não, hạn chế hoặc tránh uống quá nhiều rượu và caffeine. Đảm bảo ngủ đủ 8-9 tiếng mỗi đêm; tăng cường sức mạnh trí não, chẳng hạn như giải các câu đố; tham gia vào một số hoạt động thú vị giúp giải tỏa căng thẳng.


Các phương pháp điều trị không dùng thuốc có thể giải quyết tình trạng này bao gồm châm cứu như: hào châm, điện châm, phúc châm (châm vùng bụng), đầu châm (châm vùng đầu), nhĩ châm (châm trên loa tai). Dựa vào các thể bệnh riêng của từng người bệnh, thầy thuốc sẽ đưa ra các bộ huyệt phù hợp hoặc có thể phối hợp nhiều phương pháp. Ngoài ra, chuyên gia có thể phối hợp xoa bóp bấm huyệt, gồm các thao tác xoa, lăn, ấn, vờn để tác động lên các huyệt, các vùng cơ hay các bộ phận trên cơ thể, làm tăng lưu thông khí huyết, tăng tuần hoàn.


Đối với các phương pháp dùng thuốc, tùy theo thể bệnh có thể cân nhắc dùng một trong các bài thuốc cổ phương (y học cổ truyền) và gia giảm các vị thuốc theo từng thể trạng người bệnh. Các vị thuốc thường sử dụng như nhân sâm, hoàng kỳ, thục địa, đương quy, bạch thược, táo nhân, lạc tiên, đinh lăng, rau đắng biển... có tác dụng bổ khí, bổ huyết, an thần. Bên cạnh dạng thuốc thang thông thường, bác sĩ có thể sử dụng thêm các dạng khác như thuốc ngâm, trà thuốc, rượu thuốc, thuốc xông để hỗ trợ điều trị cho người bệnh.


Lê Cầm

Làm thế nào hết mệt mỏi, đau đầu hậu Covid

Tôi mắc Covid-19, khỏi một tháng nay nhưng người vẫn mệt mỏi, đau đầu. Xin hỏi bác sĩ tôi nên làm gì để khắc phục. (Mai Loan, 42 tuổi, Đồng Nai)


Trả lời:


Bạn bị mệt mỏi và đau đầu kéo dài giai đoạn hậu Covid-19 cần phải được tư vấn điều trị chuyên khoa để biết rõ hơn về tình trạng bệnh. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách trị liệu về nhận thức và hành vi, phối hợp với liệu pháp vận động phù hợp.


Đặc biệt người bệnh cần được hướng dẫn để tự duy trì chế độ sinh hoạt, vận động phù hợp tránh tình trạng hoạt động quá mức gây kiệt sức và mệt mỏi quá mức. Bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu chất khoáng, vitamin và năng lượng; đảm bảo ngủ đủ giấc.


Để điều trị đau đầu hậu Covid thường kết hợp nhiều phương thức khác nhau tùy tình trạng bệnh lý. Ví dụ, đau đầu có yếu tố tâm thần kinh, cần phối hợp tâm lý trị liệu, duy trì chế độ vận động - nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, thường xuyên thư giãn chống stress (tập yoga, thiền định hay chánh niệm).


Người đau đầu kèm giảm chức năng nhận thức, kém tập trung và có hiện tượng "não mù sương", nên dùng thêm các loại củ quả chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa có thành phần flavonoid như cần tây, bông cải xanh, cà rốt, tía tô, dầu oliu, trà hoa cúc...


Bác sĩ Lê Thị Xuân

Phó trưởng khoa Nội Truyền nhiễm, Bệnh viện 199

Rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid

Sau khi khỏi Covid, bạn có cảm giác bồn chồn, lo lắng, giảm trí nhớ, chân tay lạnh, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở... có thể là triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật.


Cơ thể có hai hệ thần kinh là chủ động (động vật) và thụ động (thực vật). Hệ thần kinh động vật quyết định các hoạt động có ý thức; hệ thần kinh thực vật liên quan sự co bóp của tim, phổi, tuyến mồ hôi... kể cả khi cơ thể đang ngủ, say hay bất tỉnh. Rối loạn thần kinh thực vật (autonomic nervous system disorders) ảnh hưởng đến chức năng tự động cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa...


Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật xuất hiện ngay trong quá trình người bệnh đang điều trị Covid-19. Sau khi khỏi, tình trạng này có thể kéo dài và diễn tiến phức tạp trong vài tuần, thậm chí cả tháng.


Rối loạn thần kinh thực vật có nhiều nhóm triệu chứng. Nhóm đầu tiên là cảm giác bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ. Tình trạng này thường thấy khi bạn mắc Covid-19, một số trường hợp sau khi khỏi bệnh hay "dễ xúc động" kể cả trong những tình huống không gây xúc động.


Nhóm triệu chứng thứ hai do thiếu máu lên não như nặng đầu, váng đầu, đi lại bồng bềnh, không tự tin, đặc biệt là giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém. Nhóm thứ ba, người bệnh dễ mệt mỏi, mất sức, chân tay yếu khi làm việc, vận động. Nhiều trường hợp có cảm giác bủn rủn chân tay và hết sau một thời gian ngắn. Nhóm triệu chứng thứ tư là chân, tay lạnh nhưng đổ mồ hôi trộm. Nhiều trường hợp đêm ngủ ướt hết phần lưng và ngực.


Một số người có triệu chứng hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, thổn thức, kèm theo là tình trạng nghẹn, khó thở. Theo bác sĩ, đây là các vấn đề liên quan rối loạn co bóp của tim và phế quản. Một số người bị trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da xấu do thiếu hoặc rối loạn hormone.

Bác sĩ Hoàng cho rằng hai biến chứng Covid-19 là phản ứng viêm và đông máu lan từ phổi ra khắp cơ thể, dẫn tới rối loạn hệ thần kinh thực vật. Covid-19 còn tác động tới hệ thần kinh, dây thần kinh dẫn truyền, gây tổn thương và viêm.


Cách điều trị là cố gắng vận động nhẹ nhàng, thường xuyên và vừa sức, điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn nhiều hoa quả, cá, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa... Bổ sung vitamin, omega 3, kẽm, vitamin D, khoáng chất hoặc một số sản phẩm giúp giảm căng thẳng như an thần với thành phần thảo dược, tăng cường tuần hoàn não, thở oxy cao áp.


Liệu pháp tâm lý cũng là cách điều trị rối loạn thần kinh thực vật, như vẽ tranh, nghe nhạc, làm vườn, nấu ăn... mang lại cảm giác dễ chịu. Theo bác sĩ Hoàng, nếu điều trị tốt, các triệu chứng của rối loạn hệ thần kinh thực vật sẽ ổn sau khoảng 3-4 tuần.

Thúy Quỳnh 

Hiện tượng chóng mặt hậu Covid-19 và thắc mắc thường gặp

Covid-19 cũng như nhiều virus khác, có khả năng ảnh hưởng và làm tổn thương hệ thống thần kinh, hệ thống tai trong và tiền đình, gây chóng mặt.


Bác sĩ Lê Minh Kỳ, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, giải đáp những thắc mắc thường gặp về triệu chứng chóng mặt ở F0 khỏi bệnh.


Vì sao bị chóng mặt hậu Covid-19?


Covid-19 ảnh hưởng hệ thống thần kinh, gây các triệu chứng về thần kinh như mất ngủ, trầm cảm, lo lắng, rối loạn tiền đình, trong đó phổ biến là triệu chứng chóng mặt.


Chóng mặt là cảm giác hay ảo giác về chuyển động của cơ thể hoặc vật xung quanh trong khi thực ra không có sự chuyển động. Cảm giác thường gặp nhất là xoay tròn kèm theo buồn nôn, đi đứng không vững, dáng đi lệch lạc, có thể khởi phát hay nặng lên khi cử động đầu. Cơn chóng mặt có thể rất ngắn, chỉ vài giây hoặc dài đến vài ngày, vài tuần, biểu hiện rất khác nhau từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân có thể chỉ biểu hiện như choáng thoáng qua nhanh khi thay đổi tư thế đầu, hoặc cảm giác chòng chành khi đi lại, mất thăng bằng, cho đến các cơn nhà cửa nghiêng ngả, quay tròn kèm theo buồn nôn và nôn...


Có nguy hiểm?


Điều này tùy vào vị trí và mức độ tổn thương do virus gây ra. Có những tổn thương tự hồi phục sau khi hết triệu chứng nhiễm virus, như viêm thần kinh tiền đình một bên. Ở tình trạng này, dây thần kinh tiền đình đã tổn thương song lâu dài sẽ được tiền đình trung ương hoạt động bù trừ, bệnh nhân có thể không nhận ra sự khác biệt về thăng bằng và hết chóng mặt.


Một số bệnh như viêm dây thần kinh tiền đình (Ménière), chứng chóng mặt kịch phát tư thế lành tính (BPPV), viêm mê nhĩ (nhiễm trùng do vi khuẩn ở tai trong), tổn thương khu trú tiền đình trung ương, triệu chứng nặng nề và tái phát nhiều lần, gây mất chức năng tiền đình và thính giác tăng dần, chóng mặt quay dữ dội đột ngột, thậm chí đột quỵ...


Sau khi khỏi Covid, bất kỳ khi nào có vấn đề bất thường về thần kinh như chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, nghe kém, bạn đều nên đến bác sĩ khám. Điều trị càng sớm, cơ hội hồi phục chức năng tai trong và tiền đình càng cao.


Kéo dài bao lâu?


Triệu chứng chóng mặt có thể xảy ra cùng lúc với mắc Covid-19, hoặc sau nhiễm một vài tuần. Triệu chứng kéo dài tùy vào từng tổn thương cấu trúc cơ quan tiền đình của mỗi bệnh nhân. Chóng mặt nói chung là tác dụng phụ thường gặp của Covid-19 cấp tính.


Trong nhiều trường hợp, chúng sẽ biến mất khi các triệu chứng khác của Covid-19 kết thúc. Phần lớn chóng mặt kéo dài một vài tuần đến vài tháng. Tuy vậy, đại dịch mới diễn ra khoảng hai năm nên chưa thể đánh giá được ảnh hưởng của chúng sẽ kéo dài bao lâu. Tới nay, nhiều bệnh nhân cho biết triệu chứng của họ không hề thuyên giảm.


Có thể tự khỏi không?


Đa phần những chóng mặt nhẹ do Covid gây ra thường sẽ tự biến mất khi các triệu chứng điển hình khác của Covid trên đường hô hấp hết mà không cần phải điều trị gì. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương tiền đình, hoặc tổn thương các cơ quan khác ngoài tiền đình do virus gây ra mà chóng mặt có thể tự khỏi hoặc diễn biến kéo dài và cần sự can thiệp y tế.


Người bị rối loạn tiền đình, mắc Covid-19 bệnh có nặng thêm?


Covid-19 có khả năng kích hoạt tình trạng tiền đình ở những người bệnh BPPV, Ménière, viêm dây thần kinh tiền đình... giai đoạn thuyên giảm hoặc ổn định. Virus gây rối loạn chuyển hóa tai trong nên có thể làm tái phát đợt bệnh BPPV, làm nặng thêm tình trạng bệnh Meniere và các bệnh lý tiền đình khác.


Một số bệnh nhân sau khi điều trị Covid kéo dài, dùng các loại thuốc kháng virus, kháng sinh và nằm lâu ngày, cũng suy giảm chức năng tiền đình có trước đó.

Cách giảm chóng mặt


Trong cơn cấp: Khi có cơn chóng mặt cấp, cần hạn chế vận động, nên nghỉ ngơi tại giường. Tập trung nhìn vào một điểm cố định trước mặt; cố gắng bám vào hoặc tựa vào các bề mặt xung quanh; giữ bình tĩnh, tránh căng thẳng vì lo lắng sẽ làm tăng các triệu chứng. Ngoài ra cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, tránh rượu bia thuốc lá và nên gối đầu cao khi ngủ.


Ngoài cơn cấp: Sau mắc Covid-19, khi bị chóng mặt kéo dài, nên hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, vận động tại chỗ (quay đầu, đứng lên/xuống thường xuyên, đứng xoay người...). Đây là những cách tốt để kích thích hệ thống tiền đình và giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.


Cần phân biệt cơn chóng mặt cấp do bệnh của hệ thống tiền đình chức năng, không gây nguy hiểm tính mạng, với chóng mặt cấp do cơn đột quỵ tiểu não có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, khi có cơn chóng mặt cấp xuất hiện sau Covid, người bệnh cần đến bệnh viện khám, điều trị sớm, tránh các biến chứng đáng tiếc như đột quỵ.


Quỳnh Phương

Những di chứng thần kinh hậu Covid-19

Đột quỵ, viêm não, rối loạn giấc ngủ, đau đầu chóng mặt, viêm tủy cấp… là những di chứng về thần kinh nhiều người gặp sau khi khỏi Covid-19.


Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, theo Johns Hopkins Medicine International (một hệ thống y tế ở Mỹ), khoảng 50% người nhiễm nCoV có các biểu hiện về thần kinh. Giới khoa học vẫn đang nghiên cứu để có câu trả lời chính xác nguyên nhân, vài giả thuyết được đưa ra giải thích tại sao Covid-19 ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dựa trên các bằng chứng hiện có. Trong đó, các nhà khoa học cho rằng virus có khả năng tấn công lên não gây viêm não, bằng chứng là tìm thấy virus trong dịch não tủy ở một số bệnh nhân. Một giả thuyết khác cho rằng nCoV tạo ra nhiều cục máu đông bất thường trong các động mạch lớn gây đột quỵ tim và não.


Một nghiên cứu khác, công bố hồi tháng 5/2021 trên Tạp chí Y học Quốc tế, cũng chỉ ra 80% bệnh nhân có ít nhất một triệu chứng Covid kéo dài. Đây là tình trạng sức khỏe không trở lại bình thường sau ba tháng mắc bệnh và kéo dài ít nhất hai tháng mà không do nguyên nhân khác (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO).


Các triệu chứng Covid kéo dài phần lớn là mệt mỏi, sau đó là biến chứng về thần kinh như đau đầu, rối loạn tập trung chú ý, mất mùi, mất trí nhớ, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ; các bệnh lý liên quan đến tâm thần như hoang tưởng, thay đổi tâm trạng, chóng mặt, đột quỵ... Ngoài ra còn có một số báo cáo về huyết khối tĩnh mạch não, viêm màng não, hội chứng Guillain - Barré và hội chứng rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục (PRES), bác sĩ Đức cho hay.

Đau đầu, chóng mặt


Đau đầu là một trong những triệu chứng thần kinh phổ biến nhất ở F0 giai đoạn cấp tính và khi đã khỏi bệnh. Đau đầu giai đoạn hậu nhiễm thường đi kèm với chứng sợ ánh sáng và cứng cổ. Đau có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên đầu, đau ở thái dương hoặc trán. Nếu tình trạng này kéo dài, không được điều trị có thể gây mất ngủ, mệt mỏi, stress, sụt cân và tiến triển thành mạn tính. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị di chứng đau đầu, chóng mặt hậu Covid-19 nếu sau 7-10 ngày không cải thiện.


Rối loạn giấc ngủ


Thời gian qua Bệnh viện Tâm Anh đã tiếp nhận một số trường hợp đến khám vì mất ngủ trong và sau khi mắc Covid-19. "Nguyên nhân ban đầu là những sang chấn tâm lý mà đại dịch gây ra, viêm các dây thần kinh hoặc một di chứng thần kinh khác mà nCoV gây ra", bác sĩ Đức nói.


Rối loạn giấc ngủ có thể biểu hiện ở nhiều trạng thái khác nhau, như 57% khó vào giấc ngủ, thậm chí không ngủ; 46% ngủ ít hơn bình thường và 36 % có ác mộng khi ngủ. Tình trạng này kéo dài có thể gây mệt mỏi, đau đầu, suy kiệt, stress, trầm cảm. Trường hợp rối loạn giấc ngủ kéo dài trên một tuần không cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp. Đặc biệt người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc ngủ có thể gây ra tình trạng nghiện, nhờn thuốc.


Sương mù ở não


Sương mù ở não liên quan đến khả năng suy nghĩ, trí nhớ và sự tập trung, biểu hiện theo nhiều cách khác nhau như suy nghĩ chậm, mất trí nhớ, khó nhớ từ, lú lẫn, khó tập trung và dễ mất tập trung. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, như thiếu oxy do tổn thương phổi, virus xâm nhập vào tế bào não, cũng như những rối loạn miễn dịch tự miễn cơ thể, đột quỵ não..., bác sĩ Đức phân tích. Điều trị sương mù não phụ thuộc vào nguyên nhân, đồng thời bác sĩ có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ như tập thể dục, ngủ đủ giấc, tăng lượng protein, trái cây, chất béo lành mạnh, hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, tham gia các hoạt động xã hội...


Đột quỵ


Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở bệnh nhân Covid-19 ở mức 2,3%, ở bệnh nhân nặng tỷ lệ này có thể đạt tới 6%. Di chứng rối loạn đông máu sau nhiễm Covid-19 là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ.


Theo bác sĩ Đức, nguy cơ đột quỵ hậu nhiễm Covid-19 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính và ở cả những người không có yếu tố nguy cơ đột quỵ. Do đó, nếu sau giai đoạn phục hồi mà cơ thể xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu đột ngột, nôn ói, chóng mặt, tê chân tay, co giật hoặc yếu liệt nửa người... cần đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh.

Hội chứng Guillain - Barré (GBS)


Hiện đã có báo cáo ghi nhận một số trường hợp GBS có liên quan đến Covid-19, chủ yếu ở nam giới và trên 50 tuổi. Hội chứng này là bệnh viêm đa dây thần kinh cấp tính hiếm gặp, gây tê bàn tay, bàn chân, có thể ảnh hưởng đến các cơ nuốt gây nuốt sặc, ảnh hưởng cơ hô hấp làm bệnh nhân không thể thở. Trường hợp này cần phải nhập viện để điều trị bởi bệnh diễn tiến khá nhanh và có thể gây ra chết người do sặc thức ăn vào phổi hay ngưng thở.


Huyết khối tĩnh mạch não


Đây là một biến chứng khá hiếm gặp với tỷ lệ chung khoảng 0,3%. Người không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào cũng có khả năng gặp huyết khối tĩnh mạch não nếu đã từng mắc Covid-19. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm các dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ như đau đầu tiến triển, nôn ói, mờ mắt do phù gai thị, suy giảm thần kinh khu trú, giảm ý thức và co giật.


Viêm màng não, viêm não


Tạp chí International Journal of Infectious Diseases đăng báo cáo về trường hợp đầu tiên bị viêm màng não, viêm não liên quan đến Covid-19 năm 2020. Người bệnh là một người Nhật Bản, nhập viện cấp cứu vì co giật kèm theo bất tỉnh, trước đó có xuất hiện mệt mỏi, sốt, nôn ói. Các nhà khoa học đã xác nhận khả năng làm tổn thương hệ thần kinh trung ương của nCoV.


Hội chứng rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục (PRES)


Bệnh nhân bị nhiễm nCoV nặng có phản ứng viêm mạnh, gây ra cơn bão cytokine làm tổn thương hàng rào máu não và có thể dẫn đến hội chứng rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục. Các đặc điểm của hội chứng này có thể bao gồm các triệu chứng như nhức đầu, thay đổi ý thức, rối loạn thị giác, co giật và giao động huyết áp.


Bác sĩ Minh Đức cho hay mức độ nặng nhẹ của các di chứng thần kinh sau mắc Covid-19 khác nhau ở mỗi người. Những trường hợp sau nhiễm Covid có các triệu chứng về thần kinh cần đến khám sớm với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được tư vấn chương trình chăm sóc phù hợp.

Quỳnh Phương 

Covid-19 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý

MỸNghiên cứu công bố trên tạp chí BMJ cho thấy Covid-19 gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho F0 như lo lắng, trầm cảm, sương mù não và rối loạn giấc ngủ.


Các nhà khoa học tại ĐH Washington đã phân tích hồ sơ y tế của gần 154.000 bệnh nhân Covid-19 và so sánh tình trạng của họ trong một năm (sau khi hồi phục) với nhóm không nhiễm nCoV. Tất cả tình nguyện viên không có tiền sử các bệnh về tâm lý trước khi mắc Covid-19.


Nghiên cứu cho thấy nhóm đã mắc bệnh có tỷ lệ trầm cảm cao hơn 39%, tỷ lệ rối loạn lo âu cao hơn 35% so với người chưa nhiễm virus. Tỷ lệ căng thẳng ở người từng là F0 cao hơn 38%, chứng rối loạn giấc ngủ cao hơn 41% so với nhóm không mắc Covid-19.


Tiến sĩ Paul Harrison, giáo sư tâm thần học tại Đại học Oxford, không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Số người gặp vấn đề tâm lý hậu Covid-19 cao đáng kể". Theo ông, kết quả này tương đồng với những nghiên cứu khác.


Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy không phải tất cả bệnh nhân đều gặp vấn đề tâm thần. Khoảng 4,4% đến 5,6% tình nguyện viên được chẩn đoán trầm cảm, lo lắng, căng thẳng hoặc rối loạn điều chỉnh.


"May mắn, Covid-19 không tạo ra đại dịch về vấn đề tâm lý. Song nó vẫn để lại những tổn hại nhất định, không thể xem thường", tiến sĩ Harrison nói.


Các bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ gặp vấn đề nhận thức như chứng sương mù não, lú lẫn, hay quên cao hơn 80% so với người không mắc bệnh, nguy cơ lạm dụng thuốc cao hơn 34%.

F0 nhập viện có tỷ lệ mắc bệnh về tâm lý cao hơn người nhiễm virus dạng nhẹ. Song bệnh cũng ảnh hưởng đến cả các ca điều trị tại nhà.


"Một số người nói các F0 phát sinh chứng trầm cảm là do họ phải đến bệnh viện hoặc nằm một tuần trong khu hồi sức tích cực. Đúng là nguy cơ này ở người không nhập viện thấp hơn, nhưng nó vẫn đáng kể", tiến sĩ Ziyad Al-Aly, chuyên gia dịch tễ Đại học Washington, đồng tác giả nghiên cứu, nói.


Theo các chuyên gia, Covid-19 có thể gây ra phản ứng miễn dịch quá mức, tức là hệ miễn dịch tiếp tục tấn công tế bào khỏe mạnh sau khi đã đẩy lùi được virus. Nó gây ra tình trạng viêm. Từ đó, bệnh nhân phát triển cục máu đông trong não, có thể dẫn đến đột quỵ.


"Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não theo nhiều cách, bao gồm khả năng tạo serotonin, chất dẫn truyền thần kinh, là nền tảng của tâm trạng và giấc ngủ", Maura Boldrini, phó giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học NewYork-Presbyterian Columbia, giải thích.


Những tác động này có thể gây ra vấn đề tâm lý, đặc biệt ở những người đang cảm thấy stress do mắc Covid-19 hoặc vì quy định cách ly kéo dài.


Thục Linh (Theo NY Times)

Tổn thương tâm lý - khủng hoảng hậu Covid

Tâm lý căng thẳng kéo dài khi mắc bệnh, cộng thêm sự tấn công của virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương khiến nhiều người bị mất ngủ, lo âu, trầm cảm hậu Covid-19.


Bác sĩ Hồng Văn In (Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM), cho biết nhiều F0 khỏi bệnh mắc các di chứng tâm lý hậu Covid-19. Đây là tình trạng tiếp tục bị ám ảnh, khủng hoảng tâm lý hậu nhiễm, khiến người bệnh luôn cảm thấy bất an, căng thẳng, khó ngủ; nặng hơn thì rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm.


Họ chủ yếu thuộc nhóm bị tổn thương tâm lý, do bản thân phải trải qua, hay chứng kiến người thân mắc Covid-19 nặng; hoặc gia đình có người tử vong vì Covid-19.


Theo bác sĩ In, ba nguyên nhân chính khiến Covid-19 để lại di chứng tâm lý sau khỏi bệnh. Thứ nhất, do cơ thể tạo phản ứng miễn dịch chống lại nCoV. Khi bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất cytokine, chemokine và những chất khác thúc đẩy quá trình viêm để chống lại virus. Tuy nhiên, ở một số người, hệ miễn dịch không kiểm soát đúng cách đã gây hại ngược cho tế bào thần kinh. Từ đó dẫn đến tình trạng viêm dây thần kinh, tổn thương hàng rào máu não, tế bào miễn dịch ngoại vi tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương, giảm khả năng dẫn truyền thần kinh... Khi hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đau đầu, không tập trung, hạn chế sáng tạo, giảm khả năng học tập, làm việc...


Thứ hai là tâm lý căng thẳng của người bệnh khi mắc Covid-19. Có thể họ gặp nhiều vấn đề, như cảm thấy bất ổn khi phải đi cách ly một mình, cảm giác tội lỗi khi vô tình lây bệnh cho người khác, lo người khác đánh giá về mình, sợ xã hội kỳ thị xa lánh, sợ mất việc làm, không có thu nhập...


Đặc biệt, ở nhóm người vốn có vấn đề về tâm lý tiềm ẩn như rối loạn lo âu, hoang tưởng... càng dễ bị căng thẳng hơn. Cụ thể, khi bản thân họ đang phải chống chọi với Covid-19 lại chứng kiến người thân bị lây nhiễm, có di chứng nghiêm trọng, phải nhập viện điều trị, thậm chí tử vong... thì họ càng dễ rối loạn tinh thần hơn, sợ mình cũng bị bệnh nặng, sợ chết. Điều này cộng với thời gian cách ly và điều trị kéo dài khiến tình trạng căng thẳng tăng cao, người bệnh có thể thao thức suốt đêm, không ngủ được, dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm.


Thứ ba, khi mới bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone chống lại tình trạng stress. Các hormone này giúp cơ thể vượt qua thử thách stress trong vòng 24 giờ. Lúc này, tim sẽ đập nhanh hơn, hồi hộp, tăng huyết áp. Nếu cơ thể không giải quyết được stress trong khoảng thời gian vàng này mà để tình trạng căng thẳng kéo dài hơn, các hormone stress có cơ hội "phản pháo". Các cortisol sẽ tăng lên, tạo ra các gốc tự do, rối loạn chuyển hóa... Căng thẳng kéo dài làm cho người bệnh bất ổn tâm lý, như dễ cáu gắt, buồn vu vơ, lo lắng hay có những hành động lạ (khóc, hét to hoặc uống rượu bia, các thuốc gây nghiện).


Những dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu là người bệnh có cảm giác lo sợ lan tỏa, khó chịu mơ hồ kèm theo các triệu chứng thần kinh tự chủ như đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, siết chặt ở ngực, khô miệng, khó chịu ở thượng vị, bứt rứt không thể ngồi yên hay đứng yên một chỗ. Còn nếu bị trầm cảm, người bệnh đôi khi không có những biểu hiện rõ ràng về mặt thể chất nhưng có thể có dấu hiệu: mất tập trung, thay đổi giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít), thay đổi cảm giác ăn uống (không thèm ăn hay hứng thú khi ăn uống kể cả món từng yêu thích), khó chịu, kích động, ủ rũ, bác sĩ In cho hay.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Covid khiến 63% người 18-24 tuổi lo âu hoặc trầm cảm, 25% số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự tử.


Một khảo sát tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM vào năm 2021, ghi nhận 53,3% bệnh nhân Covid điều trị tại đây bị rối loạn lo âu; 20% trầm cảm và 16,7% stress. Đặc biệt, những ca từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và tỷ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Ngoài ra, 67% bệnh nhân Covid-19 mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.


Điều trị


Bác sĩ In khuyến cáo, nếu người thân, bạn bè mắc Covid-19, điều đầu tiên cần làm là trấn an, động viên người bệnh. Trong trường hợp người bệnh phải cách ly phòng riêng hoặc ở khu cách ly tập trung, người nhà nên thường xuyên nhắn tin, gọi điện để hỏi thăm, an ủi. Lúc an ủi cũng cần dùng từ ngữ tế nhị, tránh người bệnh cảm giác bị xa lánh, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương tâm lý.


Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, ngay khi tiếp nhận ca bệnh, dù là nhẹ hay nặng, nhân viên y tế luôn chăm sóc tận tình và cố gắng dành nhiều thời gian tư vấn, động viên tinh thần, giúp người bệnh lạc quan chiến đấu với Covid-19. "Nếu không làm như vậy, nhiều bệnh nhân dễ rơi vào lo âu, trầm buồn, nằm im không muốn nói, không giải tỏa được lo lắng, khó hợp tác và khiến cuộc điều trị khó khăn hơn", bác sĩ In nói.


Riêng về thuốc điều trị cho người bị trầm cảm sau khi hết Covid-19, bác sĩ In dẫn một nghiên cứu tại Italy cho thấy có thể sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến. Trong đó nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), gồm các thuốc như sertraline, paroxetine, fluoxetine... Thông thường, khoảng 66% bệnh nhân trầm cảm cảm thấy cải thiện với SSRI. Khi sử dụng SSRI với những người bị trầm cảm sau Covid-19, tỉ lệ này lên tới 91% sau 4 tuần điều trị.


F0 đã xuất viện, nếu có dấu hiệu rối loạn tâm thần, trầm cảm, nên đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh trở nặng hơn. Những bệnh nhân có di chứng tâm lý nặng, không muốn nói chuyện với ai, không mở lòng ra, nên được massage trị liệu để cơ thể giãn ra, giúp mang lại dễ chịu. Đồng thời, gia đình cần kiên nhẫn, khơi gợi để người bệnh dần chia sẻ những chuyện khó nói.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM) khuyên người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý theo thể trạng và bệnh lý nền để bồi bổ và tăng sức đề kháng. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp hồi phục cơ thể, cải thiện tâm trạng gồm: nhóm các loại rau lá xanh (rau ngót, mồng tơi, bông cải xanh, cải bó xôi, rau dền...); nhóm các loại củ quả có màu vàng cam hay đỏ (cà rốt, đu đủ, khoai lang bí, cà chua, ớt chuông, dâu tây, trái bơ); flavonoid từ đậu nành, các loại hạt... Nhóm thịt, cá, trứng (đạm động vật nhiều dinh dưỡng), một ít rượu vang đỏ và chocolate đen cũng giúp giảm trầm cảm đáng kể.

Bảo Ngọc

Mắc Covid nhẹ vẫn gặp vấn đề trí nhớ khi khỏi bệnh

ANHNghiên cứu của Đại học Oxford phát hiện người nhiễm nCoV triệu chứng nhẹ vẫn có biểu hiện suy giảm tập trung và trí nhớ từ 6 đến 9 tháng sau mắc bệnh.


Các vấn đề về nhận thức, chứng hay quên hoặc mệt mỏi là đặc điểm của Covid-19 kéo dài. Triệu chứng này ảnh hưởng đến một số bệnh nhân. Song trước đây, giới chuyên môn vẫn chưa xác định được mức độ phổ biến của tình trạng này trên người từng mắc Covid-19.


Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford đã nghiên cứu 136 F0 không gặp di chứng kéo dài điển hình, bao gồm mệt mỏi mạn tính, mất vị giác, khứu giác, khó thở,... Họ được yêu cầu hoàn thành các bài tập trí nhớ để kiểm tra khả năng nhận thức.


Trong công bố hôm 19/1, các chuyên gia cho biết trí nhớ theo từng giai đoạn (khả năng ghi nhớ về trải nghiệm cá nhân) của các tình nguyện viên kém hơn đáng kể. Tình trạng này kéo dài khoảng 6 tháng sau nhiễm bệnh. Khả năng duy trì tập trung của họ cũng giảm so với những người không mắc Covid-19, kéo dài tới 9 tháng.


Tiến sĩ Sijia Zhao, khoa Tâm lý Thực nghiệm, Đại học Oxford, cho biết: "Điều đáng ngạc nhiên là họ không có bất cứ di chứng nào khác ở thời điểm thử nghiệm, chỉ bị suy giảm tập trung và trí nhớ".


Thông thường rối loạn trí nhớ xảy ra ở người mắc "hội chứng mệt mỏi mạn tính". Nguyên nhân cơ bản là viêm thần kinh do hoạt động của tế bào miễn dịch trong não, gọi là microglia. Ở người khỏe mạnh, microglia có vai trò quan trọng trong việc giữ tế bào thần kinh não hoạt động bình thường, song chúng rất dễ bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cho biết trí nhớ theo từng giai đoạn và khả năng tập trung của tình nguyện viên trở lại bình thường sau 6 đến 9 tháng. Những người này sau đó có kết quả tốt trong các bài kiểm tra về khả năng nhận thức khác, như trí nhớ về công việc và lập kế hoạch.


Tiến sĩ Stephen Burgess, thành viên Đơn vị Thống kê Sinh học MRC tại Đại học Cambridge, cho biết nghiên cứu có lượng nhỏ người tham gia. Đồng thời nó không thực hiện theo phương pháp ngẫu nhiên.


"Dù vậy, điểm khác biệt giữa những người đã và chưa từng mắc Covid-19 rất đáng lưu tâm", ông nói.


Thục Linh (Theo Reuters)

Làm gì khi bị rối loạn lo âu hậu Covid?

Cân bằng công việc và cuộc sống, xây dựng lịch ngủ nghỉ hợp lý, tìm kiếm trợ giúp chuyên môn từ nhà tâm lý và bác sĩ tâm thần là cách giảm căng thẳng hậu Covid.


Lo âu là một trong những biểu hiện điển hình của hội chứng Covid kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người mắc.


Theo các bác sĩ Bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Đại học Y Dược TP HCM, người bệnh hậu Covid thường lo sợ quá mức về sức khỏe của bản thân và gia đình, bên cạnh các nỗi lo về sinh kế, những thông tin sai lệch trên mạng xã hội... Ngoài ra, nhiều người đối mặt với các xung đột trong việc lựa chọn, đưa ra các quyết định có thể mang tính tổn hại cho cá nhân và người thân như nên hay không nên tiêm vaccine, nên hay không nên đưa người lớn tuổi nhập viện khi mắc bệnh.

Biểu hiện


Tâm trạng buồn kéo dài liên tục; tuyệt vọng; cảm thấy bản thân không có giá trị, cô đơn do giãn cách xã hội (đặc biệt đối với người lớn tuổi, người sinh hoạt một mình); mất động lực làm việc; mất hứng thú trong những sở thích thông thường.


Thường xuyên mệt mỏi, chậm chạp khó tập trung, giảm giao tiếp (do sinh hoạt một mình hoặc không muốn giao tiếp do sinh hoạt trong môi trường có mâu thuẫn), thay đổi thói quen ăn uống và giấc ngủ, không sử dụng hoặc sử dụng các cơ chế phản ứng phòng vệ không phù hợp trong các tình huống.

Cách xử lý


Các chuyên gia khuyên người mắc chứng lo âu nên kết nối với người thân, gia đình hoặc bạn bè qua điện thoại hoặc video, đồng thời duy trì các hoạt động và sở thích cá nhân.


Bên cạnh đó, người dân nên thiết lập lịch tập thể dục trong nhà hoặc ngoài trời như hành lang, quanh nhà. Tự chăm sóc bản thân, giữ thái độ lạc quan, tích cực, trao đổi chia sẻ với đồng nghiệp...


Ngủ và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Cân bằng hoạt động trong công việc và cuộc sống. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn từ các nhà tâm lý và bác sĩ tâm thần khi cần.


Ngoài ra, người bện nên nhận diện và thay đổi những suy nghĩ chưa hợp lý. Ví dụ, buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực gây căng thằng như: "Tất cả mọi thứ đều tệ hại", "Tại sao chỉ tôi gặp phải những vấn đề này", "Tôi không đủ sức đương đầu với hoàn cảnh", "Tôi phải kiểm soát được mọi thứ, "Tương lai chỉ có một màu ảm đảm"...


Thay vào đó hãy tự hỏi bản thân: "Có phải những suy nghĩ trên lúc nào cũng đúng", "Có bằng chứng nào cho thấy điều ngược lại không", "Tôi có đang đưa ra những yêu cầu tiêu chuẩn quá cao", "Tôi có những sức mạnh giá trị nguồn lực nào", "Đâu là những suy nghĩ cân bằng, toàn diện"...


Luyện tập và dành thời gian hít thở, chú ý đến cảm giác cơ thể, thể hiện lòng biết ơn, đón nhận cảm xúc bản thân, đón nhận sự bất định... Tạo bảng ghi chú (như dưới dây), để theo dõi căng thẳng và xử lý.

Lê Cầm