Di chứng mất mùi vị

Lý giải chứng mất khứu giác, vị giác khi mắc Covid

MỸ - Nghiên cứu trên tạp chí Nature Genetics xác định yếu tố di truyền ảnh hưởng đến triệu chứng mất khứu giác sau khi mắc Covid-19.


6 tháng sau khi nhiễm nCoV, khoảng 1,6 triệu người Mỹ vẫn không thể ngửi, nếm bình thường. Nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này còn chưa rõ ràng, song các nhà khoa học cho rằng nó bắt nguồn từ tổn thương tế bào ở một phần của mũi (gọi là biểu mô khứu giác). Các tế bào này bảo vệ dây thần kinh khứu giác, giúp con người ngửi được mùi xung quanh.


Tiến sĩ Justin Turner, phó giáo sư khoa tai mũi họng tại Đại học Vanderbilt, nhận định: "Dữ liệu ban đầu cho thấy các tế bào hỗ trợ biểu mô khứu giác là những tế bào chính nhiễm virus. Có lẽ điều này khiến tế bào thần kinh bị hủy hoại. Nhưng chúng tôi không biết nguyên nhân và thời điểm điều đó xảy ra, và tại sao nó lại phổ biến hơn ở một số bệnh nhân nhất định".


Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Genetics ngày 17/1 đã lý giải điều đó. Theo các nhà khoa học, một vị trí di truyền gần hai gene khứu giác có liên quan đến hiện tượng không thể ngửi mùi hương hậu Covid-19. Đây là vị trí cố định của gene nhiễm sắc thể.


Yếu tố di truyền đó làm tăng 11% tỷ lệ mất khứu giác hoặc vị giác hậu Covid-19. Theo ước tính, 4 trên 5 bệnh nhân sẽ lấy lại được giác quan. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo tình trạng có thể kéo dài hoặc làm giảm khả năng khứu giác vĩnh viễn, ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý người bệnh.


Nghiên cứu được các nhà khoa học tại công ty công nghệ sinh học và gene 23andMe thực hiện tại Mỹ và Anh. Trong gần 70.000 tình nguyện viên từng mắc Covid-19, 68% cho biết đã gặp di chứng mất vị giác và khứu giác.


Khi so sánh khác biệt về gene giữa các tình nguyện viên, nhóm chuyên gia đã tìm thấy vùng bộ gene lý giải cho tình trạng này, có tên gọi UGT2A1 và UGT2A2. Hai gene đóng vai trò chuyển hóa chất tạo mùi.


"Đây là một ví dụ khoa học thực sự tuyệt vời. Khởi đầu với những người đã tham gia nghiên cứu, chúng tôi có thể nhanh chóng có được các kiến thức sinh học về căn bệnh", Adam Auton, Phó ban di truyền học con người tại 23andMe, tác giả nghiên cứu cho biết.

Các chuyên gia chưa rõ cách thức chuyển hóa chất tạo mùi của UGT2A1 và UGT2A2. Auton và các đồng nghiệp đưa ra giả thuyết rằng hai gene "đóng vai trò nào đó trong sinh lý của các tế bào nhiễm bệnh" và dẫn đến mất mùi khứu giác.


Để nghiên cứu sâu hơn từ phát hiện này, các nhà khoa học cần tìm hiểu thêm về gene được biểu hiện và chức năng của chúng trong việc truyền tín hiệu khứu giác, ông Turner nhận định.


Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ gặp di chứng này cao hơn nam giới 11%. Người trưởng thành trong độ tuổi từ 26 đến 35 chiếm 73% trong nhóm mất khứu giác.


Ngoài ra, các chuyên gia phát hiện người Mỹ gốc Đông Á hoặc người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mất khứu giác hoặc vị giác thấp hơn. Nhóm nghiên cứu nói nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa rõ ràng, đồng thời lưu ý dữ liệu của công trình còn hạn chế, bởi họ chỉ tập trung vào người gốc châu Âu.


Danielle Reed, Phó giám đốc Trung tâm Cảm giác Hóa chất Monell, cho biết phát hiện mới có thể hỗ trợ các bệnh nhân gặp di chứng theo hai cách. Đầu tiên, nó giúp trả lời câu hỏi "vì sao một số người gặp phải triệu chứng này và một số không". Nó cũng giúp các nhà khoa học tìm hiểu về biện pháp điều trị cho tình trạng này.


Các công trình trước đó cho thấy mất mùi vị do tế bào thần kinh cảm giác của mũi và lưỡi bị hủy hoại sau nhiễm nCoV. "Nghiên cứu này gợi ý một hướng đi khác. Nó chỉ ra các yếu tố phá vỡ chất hoá học dẫn truyền mùi vị có thể làm giả khả năng ngửi nếm hoặc làm sai lệch mùi hương", bà Reed nói.


Trong đại dịch, mất vị giác và khứu giác được coi là triệu chứng đặc trưng để phân biệt bệnh. Đánh giá ban đầu cho thấy Omicron ít gây ra tình trạng này, nhưng tỷ lệ không phải bằng không. Trong một nghiên cứu về 81 F0 nhiễm Omicron ở Na Uy, 12% trường hợp báo cáo vị giác bị suy giảm và 23% mất dần vị giác.


Thục Linh (Theo NBC)

Hiện tượng ngửi mùi hôi thối hậu Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19, nhiều người bị rối loạn khứu giác, thường xuyên ngửi thấy mùi hôi thối ở xung quanh.


Đây là một di chứng không mong muốn, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, gây trầm cảm và sụt cân. Hiện tượng có tên gọi parosmia, nghĩa là rối loạn khứu giác.


"Với người mắc parosmia, một bông hoa hồng vẫn có mùi khét như mẩu giấy bị cháy", giáo sư Brent A. Senior, khoa tai mũi họng và phẫu thuật thần kinh tại Đại học Bắc Carolina, cho biết. Người bị rối loạn khứu giác hậu Covid-19 thường xuyên ngửi thấy mùi cao su cháy, rác, nước thải, bùn và cảm giác thức ăn có vị như xăng.


Thực tế, Covid-19 không phải là căn bệnh duy nhất dẫn đến tình trạng này. Hội chứng parosmia xuất hiện sau cảm lạnh, cúm và nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Theo tổ chức từ thiện Fifth Sense chuyên hỗ trợ người rối loạn khứu giác và vị giác, khoảng 12% trong số các trường hợp parosmia từng nhiễm virus. Đây cũng là di chứng của viêm xoang, chấn thương đầu, sau khi tiếp xúc với chất độc hoặc bị rối loạn thần kinh.


Trong phân tích tổng hợp công bố trên tạp chí Rhinology vào tháng 10, 47% bệnh nhân Covid-19 có vấn đề về khứu giác. Tiến sĩ Senior ước tính khoảng một nửa người nhiễm virus bị sai lệch mùi hương nói chung.


Hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về chứng parosmia, song nghiên cứu vào tháng 6 năm ngoái chỉ ra rằng dưới 8% người nhiễm nCoV gặp tình trạng này. Nói cách khác, nó khá hiếm. Parosmia phổ biến hơn ở người mất khứu giác trong thời gian dương tính. Đây là triệu chứng thường gặp, đôi khi là biểu hiện duy nhất ở người bệnh.


Parosmia thường kéo dài rất lâu, khoảng 14 ngày sau khi người bệnh đã âm tính nCoV. Theo nghiên cứu hồi tháng 2 trên tạp chí Nature, bệnh nhân bắt đầu rối loạn khứu giác sau hai tháng rưỡi kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.

Chưa ai biết chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Song một số nhà khoa học phỏng đoán nó là hệ quả của tổn thương dây thần kinh khứu giác.


"Covid-19 thường liên kết với các thụ thể ở ruột non và phổi, nhưng cũng tồn tại ở cả dây thần kinh khứu giác. Virus làm tổn hại đến các tế bào ở cơ quan đó", tiến sĩ Dennis Cunningham, giám đốc Hệ thống Y tế Henry Ford ở Michigan, giải thích.


Dù vậy, parosmia có thể là dấu hiệu cho thấy khứu giác của người bệnh đang dần khoẻ lại. "Điều này khá bình thường. Người bệnh đang khoẻ hơn, dây thần kinh đang phục hồi và tái tạo", tiến sĩ Senior nói.


Các chuyên gia cho biết triệu chứng này sẽ biến mất theo thời gian. Tổ chức Fifth Sense khuyến nghị người bị rối loạn khứu giác rửa mũi, ngửi nhiều thứ khác nhau khi cảm thấy mùi khó chịu và không chính khác. Người bệnh nên ăn thức ăn nguội, không ăn cay, tránh đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ.


Người bị parosmia cũng có thể thực hiện các bài tập khứu giác. Liệu pháp là ngửi 4 mùi hương khác nhau hai lần một ngày, gồm hoa hồng, bạch đàn, chanh và đinh hương. Điều này được chứng minh là hiệu quả với những người mất khứu giác tạm thời do Covid-19.


"Nó giống như vật lý trị liệu dành cho mũi. Nghĩa đen là bạn buộc bản thân phải ngửi một số mùi nhất định trong vài phút mỗi ngày và tự nhắc nhở: ‘Đây là hoa hồng, tôi biết đây là hoa hồng’. Có thể với bạn, mùi hương đó không giống hoa hồng, nhưng bạn cần nhắc nhở bộ não mình về điều này", tiến sĩ Senior nói.


Thục Linh (Theo MSN)

Mất khứu giác - di chứng phiền toái sau Covid-19

PHÁPHélène Barre, 35 tuổi, ngửi đậu phộng ra mùi tôm, giăm bông nay có mùi bơ, sau khi mắc Covid-19 hồi tháng 11 năm ngoái, tình trạng này được gọi là anosmia - mất khứu giác.


Khứu giác của Barre phục hồi chậm chạp và thay đổi thất thường. Mùi cháy khét quẩn quanh mũi khiến Barre khó chịu hàng giờ. Những triệu chứng này đủ gây phiền toái cho bất kỳ ai, song với Barre, nó là nỗi lo lớn hơn nhiều. Cô là một chuyên gia thử rượu. Sự nghiệp, cuộc sống và niềm đam mê đều phụ thuộc vào khứu giác nhạy bén.


Barre làm việc tại khu sản xuất rượu ở Limoux, thị trấn Tây Nam nước Pháp. Cô cho biết: "Nó là công cụ làm việc của chúng tôi, là thứ giúp phát hiện vấn đề. Chúng tôi sử dụng mũi để mô tả rượu, để phân tích và đánh giá. Giờ thì tôi giống một người thợ nề không có cái bay vậy. Thật bực bội và căng thẳng".


Đối với hàng triệu người trên thế giới, anosmia sớm trở thành dấu hiệu phát hiện Covid-19. Biểu hiện đặc trưng là bệnh nhân chỉ cảm nhân được vị cơ bản như ngọt, mặn và không ngửi thấy mùi hương. Khác với triệu chứng nghiêm trọng hơn, dễ dẫn đến tử vong hoặc hội chứng Covid-19 lâu dài, anosmia phổ biến ở thanh thiếu niên, gây phiền toái cho cuộc sống sau nhiễm bệnh.


Đối với những chuyên gia như Barre, khứu giác rất quan trọng, đặc biệt tại Pháp nổi tiếng với nền ẩm thực, rượu vang và nước hoa. Ở chuyên gia thẩm định, nhà sáng chế nước hoa, người thử rượu, khứu giác trở thành kỹ năng được mài giũa trong nhiều năm nhằm xác định các tầng hương tinh tế. Sau mắc Covid-19, nhiều người lo sợ sẽ phải kết thúc sự nghiệp, khiến anosmia trở thành chủ đề tế nhị, khó nói.


Tại khu sản xuất rượu, Barre có thể làm các công việc liên quan. Song đến mùa thu hoạch nho, khứu giác của cô vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Barre bất lực ngồi ngoài nhìn những người khác nếm và duyệt lô rượu mới.


"Tôi căng thẳng tự vấn: ‘Nếu không bao giờ khỏi, tôi sẽ làm gì?’, tôi vẫn chưa thể trả lời câu hỏi đó", cô nói.

Cuộc thăm dò của hiệp hội rượu vang Oenologues de France vào năm ngoái cho thấy các thành viên có tỷ lệ nhiễm nCoV tương đương dân số nói chung. Gần 40% thừa nhận căn bệnh đã ảnh hưởng đến chuyên môn của họ.


Sophie Pallas, giám đốc điều hành hiệp hội, cho biết các chuyên gia thử rượu bị mất khứu giác không muốn công khai tình trạng này, "vì nó làm tổn hại đến thương hiệu cá nhân của họ".


Bản thân Pallas cũng có bệnh nền thiếu máu và cho biết đây như "bức màn đen" chắn trước niềm đam mê rượu vang của bà. Ngay cả những người phục hồi nhanh chóng sau mắc Covid-19 cũng ngại nói ra vấn đề.


"Chúng ta chưa có hệ thống đo lường chính xác. Các chức năng cơ bản của cơ thể sẽ nhanh chóng phục hồi, song chiếc mũi nhạy cảm thì chưa chắc. Thật khó để chứng minh rằng bạn đã lấy lại được toàn bộ khả năng", bà nói thêm.


Covid-19 cũng có thể làm chệch hướng sự nghiệp của những người làm trong ngành công nghiệp nước hoa có tính cạnh tranh gay gắt, nơi các nhà sản xuất đôi khi được gọi là "chiếc mũi của toàn nước Pháp". Họ phải làm việc với chuyên gia thẩm định để lựa ra thành phần hoá học của sản phẩm trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.


Calice Becker, nhà chế tạo nước hoa người Pháp, người từng tạo ra nhiều "siêu phẩm" hàng xa xỉ, bao gồm J'adore - Dior, hiện là giám đốc của một trường nước hoa của hãng Givaudan, cũng chịu chứng anosmia sau mắc Covid-19.


"Thật đáng sợ, nó giống như nghệ sĩ dương cầm bị mất ngón tay", bà nói.


Theo phỏng đoán của các nhà khoa học, Covid-19 làm gián đoạn các dây thần kinh từ mũi đến não. Dù vậy, họ chưa hiểu rõ tác động của căn bệnh đến khứu giác. Song Covid-19 không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng anosmia. Các bệnh khác hoặc chấn thương đầu cũng có thể gây ra mất mùi hương hoặc ảo giác mùi hương (parosmia).


Đối với các nhà sản xuất nước hoa, đại dịch biến mối đe dọa hiếm gặp và xa vời trở thành hiện thực khốc liệt, bà Becker nhận định. Các chuyên gia kỳ cựu mắc chứng anosmia vẫn viết được công thức nước hoa bởi kinh nghiệm lâu năm, giống như Beethoven có thể soạn nhạc những năm tháng cuối đời dù đã mất thính lực.


"Tuy nhiên, bạn phải đặt niềm tin vào mũi của người khác, họ sẽ cho bạn biết mình có đi đúng hướng hay không", bà nói.

Tương tự, các nhà thẩm định rượu sẽ biết loại đồ uống và thức ăn nào kết hợp được với nhau theo bản năng. Nhưng chứng rối loạn khứu giác khiến việc hợp tác với đầu bếp trở nên khó khăn hơn nhiều, theo Philippe Faure-Brac, người đứng đầu Hiệp hội Rượu vang Pháp, bị anosmia vào năm ngoái.


"Chúng tôi là dân chuyên nghiệp. Sự phục hồi phải được đo lường bằng các tiêu chuẩn chuyên nghiệp trong giới", ông cho biết.


Đối với các sinh viên đang học tập để trở thành chuyên gia, mất khứu giác gần như là cơn ác mộng. Louane Cousseau, sinh viên năm thứ hai tại trường nước hoa École Supérieure du Parfum, từng gọi cho mẹ trong nước mắt khi biết mình mắc Covid-19.


Sau khi hồi phục, trường khuyến khích cô làm việc với Olga Alexandre, bác sĩ thần kinh và tâm lý. Bằng nỗ lực, Cousseau lần đầu phân biệt được mùi vị sau thời gian dài. Cô vui vẻ, cởi mở và có cái nhìn tích cực về tình trạng khó khăn của mình.


"Đúng là tôi đã hoảng loạn, nhưng tôi nhanh chóng xin sự trợ giúp từ nhà trường. Có nhiều người trong lớp gặp vấn đề tương tự nhưng không làm điều đó, thậm chí không muốn nói về tình trạng này", cô kể lại.


Thục Linh (Theo NY Times)